Kiên Giang Chủ động phòng chống hạn hán thiếu nước xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:00, 29/12/2018
– Để giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, chủ động các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phù hợp, có hiệu quả, bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch số 173 về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2018-2019.
>>> Quảng Trị: Dự kiến 6.900 ha lúa không sản xuất được do thiếu nước
>>> Bình Định: Mưa lớn, nước trong các hồ chứa tăng mạnh
Theo dự báo của Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh Kiên Giang thì hiện tượng ENSO có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El nino từ tháng 11/2018 với xác suất trong khoảng 60-70%. Hệ quả của quá trình chuyển pha sang Elnino là khả năng mùa mưa bão năm 2018 ở nước ta sẽ kết thúc sớm, đầu năm 2019 ít mưa hơn so với bình thường, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tình hình mưa thời kỳ từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, hầu như không mưa trong những tháng đầu năm 2019, nhiệt độ nền nhiệt độ trung bình trên các huyện thuộc khu vực tỉnh từ nay đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ: Nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 30-34°C. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến trong khoảng 22-25°C. Thủy văn mực nước các trạm đầu nguồn sông Cửu Long hiện xuống ở mức thấp, thấp hơn cùng kỳ năm 2016, từ 0,4m – 0,5m, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 từ 0,3m – 0,5m, thấp hơn TBNN từ 0,45m – 0,7m; các trạm nội đồng Kiên Giang xuống mức thấp hơn cùng kỳ 2016, 2017 và TBNN từ 0,25m – 0,6m.
Ảnh minh họa
Dự báo từ nay đến tháng 4 năm 2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Kông phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 10% – 35%, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 0,lm – 0,3m; mực nước nội đồng trong tỉnh xuống ở mức thấp, do đó, khả năng xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn là rất cao. Do đó, đối với sản xuất nông nghiệp, vùng ven biển từ thành phố Rạch Giá đến thành phố Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé; các huyện vùng U Minh Thượng; đối với nước sinh hoạt trung tâm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên; Trung tâm của các huyện, các khu dân cư trong tỉnh và vùng hải đảo. Đối với diện tích đất rừng, trọng tâm là Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng cần chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán thiếu nước có thể xảy ra.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện vận hành 02 cống sông Kiên và kênh Cụt để điều tiết nước, hạn chế mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá – Long Xuyên qua kênh Nhánh (chưa có công trình ngăn mặn), đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt cung cấp vào hồ Tà Tây. Chuẩn bị sẵn sàng phương án đắp đập kênh Nhánh trong trường hợp mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá – Long Xuyên trong thời gian dài, nhà máy nước có nguy cơ thiếu nước ngọt để cung cấp cho thành phố Rạch Giá; Vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đắp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá- Hà Tiên tại xã Hòa Điền, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương; Vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Hà Tiên (hồ nước ngọt 01 triệu m3 tại huyện Giang Thành).
Chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa Dương Đông (huyện Phú Quốc), Nam Du (huyện Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo vào mùa khô. Khẩn trương hoàn thành các hồ chứa nước đang xây dựng. Có kế hoạch đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, kể cả ở đất liền và hải đảo; cụ thể: Kéo dài tuyến ống của các công trình tại các khu vực chưa bị thiếu nước sinh hoạt để cấp cho những khu vực bị ảnh hưởng xung quanh. Hỗ trợ phương tiện chứa nước ngọt bằng bồn nhựa và hóa chất xử lý nước (PAC) cho các hộ dân sống phân tán, xa khu dân cư, không thể kéo nước máy, giúp người dân có phương tiện dự trữ và xử lý nước an toàn để sử dụng hết mùa khô. Lắp đặt tuyến ống nước thô để truyền tải nước giữa các xã với nhau, nhằm đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân. Sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, triển khai đầu tư các trạm cấp nước mới theo kế hoạch năm 2019.
Đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, sử dụng trong mùa khô. Theo dõi tình hình diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, triển khai đắp đập tạm trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương. Dự phòng phương án xuống đập kênh Nhánh tại thành phố Rạch Giá. Vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ Giác Long Xuyên, ven biển An Biên – An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn – Xà No để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Triển khai gia cố, đáp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2018-2019 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2019.
Tổng số đập là 66 đập, trong đó, gia cố 36 đập, đắp mới 30 đập đất ngăn mặn; như sau: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh: Đắp mới 02 đập tạm trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương) và kênh Nhánh tại thành phố Rạch Giá, huyện An Minh: 06 đập (đắp mới 01 đập, gia cố 05 đập), huyện An Biên: 25 đập (đắp mới 07 đập, gia cố 18 đập), huyện U Minh Thượng: 06 đập, huyện Gò Quao: 17 đập (đắp mới 14 đập, gia cố 03 đập), thành phố Hà Tiên: Đập mới 02 đập, huyện Giang Thành: Gia cố 03 đập, huyện Hòn Đất: 03 đập (đắp mới 01 đập, gia cố 02 đập), huyện Kiên Lương: Gia cố 02 đập. Riêng đối với huyện Giồng Riềng, điều kiện xâm nhập mặn thấp hơn, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn từ sông Cái Bé, tiến hành đắp các đập ngăn mặn trong trường họp cấp thiết.
Nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, yêu cầu kiểm soát mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Xây dựng các chương trình tập huấn, tăng cường vai trò của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mặn. Tăng cường công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2018- 2019 để đề phòng thiếu nước, xâm nhập mặn vào giai đoạn từ giữa đến cuối vụ. Trên cơ sở đặc điểm nguồn nước của từng vùng, khu vực, hướng dẫn người dân bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ sản xuất hợp lý; tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng mặn.
Tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phòng trừ dịch hại và các kỹ thuật canh tác trong điều kiện hạn chế về nước tưới. Khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới. Vận hành hệ thống cống trên tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất từng khu vực. Đối với vùng ven biển An Biên – An Minh, một số khu vực cục bộ ở thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, Gò Quao, Kiên Lương, Giang Thành bị xâm nhập mặn do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ, cần sớm khảo sát, rà soát, nắm chắc tình hình có biện pháp gia cố, đắp mới các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn. Thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn. Trường hợp nước đầu nguồn đổ về đồng bằng thấp trong thời gian dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, giúp ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban ngành và địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước. Thường xuyên tổng hợp tình hình; các đề xuất, kiến nghị của địa phương, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời. Phối hợp với Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến khí tượng, thủy văn; cập nhật tình hình mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc và các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh; triển khai công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh trục chính; kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt phù hợp theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực. Phối hợp với các địa phương để thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn. Duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi theo kế hoạch để kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang để thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất. Vận động người dân làm thủy lợi nội đồng ngay từ đầu mùa khô. Phối hợp cùng các địa phương, tập trung chỉ đạo chăm sóc diện tích lúa vụ Đông Xuân 2018-2019, đề phòng thiếu nước, xâm nhập mặn từ giữa đến cuối vụ. Đồng thời, trên cơ sở đặc điểm nguồn nước của từng vùng, hướng dẫn, bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ sản xuất hợp lý; khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới.
Theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, chủ động tích trữ nước ở các hồ chứa (đặc biệt là các hồ chứa trên các đảo), bảo đảm an toàn công trình và kế hoạch cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn trong mùa khô; tập trung triển khai đầu tư xây dựng các công trình cấp nước theo kế hoạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn, hải đảo. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước nông thôn để kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng. Rà soát các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy, có phương án phòng, chữa cháy cụ thể cho từng địa bàn. Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác chuẩn bị tại cơ sở, kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị phòng, chữa cháy rừng, củng cố lực lượng, tăng cường dự báo cháy rừng. Tổ chức công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô và đảm bảo sẵn sàng thực hiện có hiệu quả theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Tăng cường quan trắc môi trường để khuyến cáo kịp thời cho các doanh nghiệp, người dân nuôi trồng thủy sản có biện pháp chủ động đối phó, bảo vệ cho từng loại thủy sản. Phối hợp với các địa phương theo dõi diễn biến thời tiêt, tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là các khu vực tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt, các vùng mà hệ thống thủy lợi chưa khép kín, có thể ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh triển khai đắp đập trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương theo kế hoạch. Chuẩn bị trước phương án triển khai đắp đập kênh Nhánh trong trường hợp mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá – Long Xuyên, khẩn trương hoàn thành các công trình xây dựng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh là chủ đầu tư để tạo nguồn tưới tiêu, ngăn mặn giữ ngọt, phục vụ sản xuất. Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang chủ động đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong phạm vi cấp nước của công ty tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ độ mặn tại các kênh lấy nước vào hồ để có kế hoạch trữ nước vào các hồ chứa, sử dụng trong mùa khô. Chuẩn bị phương án đảm bảo cấp nước dự phòng trong 20 ngày đối với khu vực thành phố Rạch Giá khi bị xâm nhập mặn, không lấy được nước ngọt vào hồ Tà Tây. Kiểm tra, vận hành thử hệ thống giếng khoan để sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Triển khai nạo vét kênh, mương, gia cố, đắp đập ngăn mặn; duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn mặn. Đề phòng các đợt triều cường, nước biển có khả năng dâng cao gây vỡ đập, nước mặn tràn qua đập. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để vận động nhân dân chủ động duy tu, sửa chữa máy bơm, trạm bơm kịp thời bơm tưới khi cần thiết; sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Tuyên truyền, vận động người dân không xả rác thải vào các kênh, rạch nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước, môi trường trong thời gian đóng cống ngăn mặn, giữ ngọt. Xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2018-2019, đảm bảo triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả.
Trương Anh Sáng