Doanh nghiệp tư nhân: Từ đầu tàu kinh tế đến mũi nhọn chống dịch

Doanh nghiệp xanh - Ngày đăng : 23:29, 21/04/2020

Moitruong.net.vn – Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, để không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam tự hào có được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân giàu trách nhiệm, luôn tiên phong để chung tay, góp sức vì lợi ích cộng đồng.

Những “cánh chim” đầu đàn

Đã hơn 100 ngày thế giới phải chống chọi với hiểm họa mang tên Covid-19 và gần 3 tháng đất nước đối mặt với đại dịch có sức ảnh hưởng chưa từng có trong lịch sử. Trong trận chiến đó, cùng với các lực lượng tuyến đầu, khu vực kinh tế tư nhân được xem là hậu phương vững chắc với những đóng góp lớn trên mọi mặt trận và bằng nhiều cách khác nhau, dù đôi khi rất thầm lặng.

Hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ vui chơi giải trí, Sun Group là một trong các ông lớn chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của dịch Covid-19. Thế nhưng, kể từ đầu mùa dịch, Sun Group là một trong số các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch “giải cứu” công dân Việt từ các vùng dịch trên thế giới – bằng việc sử dụng sân bay Vân Đồn như một “cứ địa” để đón những người con tha hương trở về với đất mẹ.

Vừa đón các chuyến bay thương mại, Sun Group vừa tập trung nguồn lực xây dựng quy trình đón khách đáp ứng quy chuẩn phòng dịch. Trong hơn 1 tháng, sân bay do Sun Group đầu tư đã đón 29 chuyến bay từ các tâm dịch, với 4.423 hành khách được nhập cảnh, đưa đi cách ly, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch “giải cứu” công dân Việt từ các vùng dịch trên thế giới

Dù tuổi đời hoạt động còn non trẻ, song nhờ hệ thống trang thiết bị hiện đại, bằng sự năng động của quy trình quản lý và yếu tố con người, sân bay tư nhân này đã vượt qua những thách thức lớn như việc đón thành công các chuyến bay “đột xuất” chỉ được thông báo trước 30 phút; áp dụng quy trình đón khách an toàn bên ngoài nhà ga hay nhanh chóng triển khai phương án phân luồng, kẻ vạch, giãn cách hành khách 2m theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Từng kinh qua ứng phó với nhiều bệnh dịch MERS-CoV, cúm A (H1N1), Ebola…, ông Phạm Ngọc Sáu, GĐ Sân bay Vân Đồn khẳng định: “Quy trình mà Tập đoàn Sun Group đang áp dụng tại sân bay hiện nay là hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách”. Và để làm tốt nhiệm vụ này, “bí quyết” của sân bay mới hơn 1 tuổi đời, đó là ba mũi nhọn: Con người, phương tiện, quy trình.

Tất nhiên, Sun Group không phải là “cánh chim” duy nhất. Ngay từ tháng 2 khi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp, Quỹ đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn – VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19). Đây là một trong chuỗi các hoạt động mà Vingroup đứng ra tổ chức để đóng góp cho công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam.

Làn sóng doanh nghiệp tư nhân chung tay đẩy lùi Covid cũng ghi nhận những thương hiệu “ngoài nhà nước” khác như Vinamilk, Hòa Phát, Cen Group…

Bên cạnh số tiền hàng trăm tỷ đồng được cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức quyên góp để phục vụ cho công tác chống dịch, cả nước cũng cảm nhận tấm lòng của doanh nghiệp bằng những hỗ trợ hết sức thiết thực như Tập đoàn Mường Thanh tài trợ phòng nghỉ tiêu chuẩn 4 sao cho toàn bộ tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viên Bạch Mai, Tập đoàn Ecopark lập Quỹ phi lợi nhuận “Lá chắn phòng dịch Covid -19”…

Và còn rất nhiều những hành động đẹp khi các doanh nghiệp tư nhân thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng trong cuộc chiến của toàn dân tộc chống lại Covid-19. Ở đó, nhìn thấy rõ việc doanh nghiệp đã sẵn sàng bước lên phía trước, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị và người dân, chung sức đẩy lùi dịch bệnh bằng nguồn lực, bằng cái tâm và sự chuyên nghiệp. Cho dù, doanh nghiệp là nạn nhân lớn nhất của đại dịch toàn cầu này

Sân bay Vân Đồn đã đón 32 chuyến bay ‘giải cứu’ từ các vùng dịch, với gần 5.000 hành khách được nhập cảnh, đưa đi cách ly, đảm bảo tuyệt đối an toàn

Khi “trách nhiệm xã hội” được lan tỏa

Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện cho thấy, gần 74% số doanh nghiệp trả lời cho biết có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài sáu tháng do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Chẳng hạn tại Sun Group, theo thống kê, trong ba tháng đầu năm 2020, các khu vui chơi giải trí do tập đoàn này đầu tư đã sụt giảm khoảng 2 triệu lượt khách, dự báo cả năm 2020 sụt giảm 7,2 triệu lượt khách. Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, tính đến ngày 10/3/2020, số booking hủy đến gần 20.000 phòng/đêm, tỷ lệ lấp đầy giảm đến 70-80%.

Dù tình hình khó khăn, đơn vị cho biết, hệ thống khu vui chơi, giải trí Sun World của Sun Group đã áp dụng một số chính sách như: Đồng hành cùng các đối tác, miễn phí huỷ hoặc gia hạn các booking đã đặt nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải thay đổi. Ngoài ra chuẩn bị phương án, gói sản phẩm ưu đãi để kích cầu sau dịch.

Đối với chính sách cho người lao động, “Chúng tôi sắp xếp người lao động nghỉ bù, nghỉ phép đối với các cán bộ đang có tồn bù tồn phép. Đối với các công viên, khách sạn, chúng tôi bố trí nhân sự đi làm theo nhu cầu của khách để đảm bảo người lao động vẫn đảm bảo được cuộc sống. Có ảnh hưởng nhất định nhưng chúng tôi cố gắng giảm thiểu thấp nhất”, bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Sun Group cho biết.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tiên phong thực hiện trách nhiệm xã hội dù phải đối mặt với tổn thất nặng nề vì Covid-19

Diễn biến Covid-19 phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh cũng tạo ra hệ lụy tất yếu: doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc cho nghỉ không hưởng lương, cắt giảm tiền lương… Ước tính nếu dịch bùng phát, theo báo cáo mới đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm sẽ là khoảng 880.000-1,32 triệu người.

Nhìn vào những con số này có thể thấy, việc một doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch có thể coi là một kỳ tích và duy trì cuộc sống cho hàng ngàn người lao động chính là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, vượt lên những khó khăn nội tại, tinh thần “vì cộng đồng” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã thực sự lan tỏa bằng những hành động thiết thực nhất. Sự tham gia của khu vực tư nhân đã chạm tới những lĩnh vực mà trước đây chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới dám đảm nhận như quản lý sân bay, sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao…

Theo các chuyên gia, nếu như việc cáng đáng nhiệm vụ an sinh – xã hội trước nay vốn là một phần lý do được các doanh nghiệp nhà nước “đổ lỗi” khi kinh doanh thua lỗ và nhằm chờ đợi sự hỗ trợ từ “bầu sữa” ngân sách thì với nhiều doanh nghiệp tư nhân việc thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên như “hơi thở”.

Với tinh thần đó, những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong đã, đang và chắc chắc sẽ là nguồn lực vô cùng quan trọng cho đất nước trong cuộc chiến trường kỳ với Covid-19.

Thanh Phong

Thanh Phong