Đồng bằng sông Cửu Long: Nắng nóng kéo dài khiến hạn mặn tiếp tục lan nhanh
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:16, 20/03/2019
Tại Hậu Giang, Biển Tây đã đẩy mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng. Theo ông Trần Thanh Thoàn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, qua kết quả đo vào sáng ngày 18/3, nồng độ mặn trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh ở một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, nơi có con kênh chính là kênh Nước Trong đưa nước từ Biển Tây vào đất liền, có nơi độ mặn đã đạt mức 10,8‰. Còn trên địa bàn TP Vị Thanh, độ mặn đo được tại ngã ba sông Nước Trong là 10,3‰, cống Kênh Lầu 10‰. Mỗi ngày, bình quân độ mặn tăng nhanh từ 0,2‰ đến gần 1‰.
Trước tình hình trên, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực theo dõi diễn biến của mặn, đồng thời chuẩn bị đóng cống, đập thời vụ ngăn mặn tại các điểm mà độ mặn ở mức từ 1,5‰ trở lên. Để kịp thời ứng phó với tình trạng mặn đang xâm nhập từng ngày từ Biển Tây vào địa bàn, các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang và các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mặn đang tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mặn, kiểm tra hệ thống cống, đập ngăn mặn theo nguyên tắc mặn tới đâu, đóng cống tới đó; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình nạo vét, tu sửa bờ bao, cống đập phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn; triển khai xây dựng 3 trạm quan trắc nước mặn tại huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo.
Theo nhận định của ngành chức năng và khuyến cáo của các tỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng từ hạn mặn ở khu vực ĐBSCL, nếu thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng nhanh và khốc liệt, các địa phương cần sẵn sàng các phương án đối phó hạn, mặn bằng công trình cũng như phi công trình. Cần sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, tránh khai thác nguồn nước ngầm một cách ồ ạt sẽ tạo ra sụt lún cục bộ…
Khánh Linh (T/h)