‘Đặc sản Việt’ gốc Tàu: Cú lừa thập kỷ, ta tự hại mình
Kinh tế - Ngày đăng : 13:59, 25/12/2016
– Tin tưởng táo đá là ở Hà Giang, xoài mút, bưởi miền Tây trồng đầy vườn,… nên cứ đến mùa, người dân lại mua về ăn. Tuy nhiên, gần đây, nhất là năm 2016, các loại hoa quả được rao bán “đặc sản Việt’ của từng vùng miền lần lượt bị bóc mẽ là hàng rởm, khiến dân Việt cay đắng nhận ra mình bị hàng Tàu lừa cả chục năm nay.
Những cú lừa kéo dài cả thập kỷ
Quay cuồng trong vòng vây thực phẩm bẩn, năm 2016, nhiều người đã từ bỏ các loại quả Trung Quốc vì sợ độc hại, tìm đến những loại hoa quả sạch, được cho là đặc sản vùng miền với niềm tin rằng, dân mình trồng sẽ đảm bảo an toàn hơn. Song, họ không ngờ rằng niềm tin đó cũng bị phản bội.
Cú lừa bị bóc mẽ đầu tiên phải kể đến chính là “xoài mút Trung Quốc. Quả xoài mút tí hon, vỏ vàng bóng, ăn ngọt lịm và hạt khá mỏng xuất hiện tràn lan trên vỉa hè Hà Nội, với biển quảng cáo “xoài mút miền Tây” hay “xoài tí hon miền Tây” có giá bán chỉ từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Xoài mút Trung Quốc cũng bị bóc mẽ khi đội lốt đặc sản miền Tây |
Nhiều người bỏ ra cả trăm ngàn đồng để mua xoài mút ngon-bổ-rẻ này về ăn. Ai nấy đều tin tưởng rằng miền Tây là vựa xoài lớn nhất cả nước nên nó được bán tràn lan và giá rẻ cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, trong lúc xoài mút đổ bộ khắp các chợ, từ Bắc chí Nam, thì trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip quay cảnh một người bổ quả xoài mút và nghi ngờ đây là xoài giả vì lớp vỏ giấy bên trong quả xoài có thể đốt cháy được. Người dân nghi ngờ, liệu xoài mút có phải là “xoài giả”, hay đây chính là xoài Trung Quốc?.
Trước những thông tin đó, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) khẳng định, xoài mút không phải là xoài giả, chúng được trồng phổ biến ở Trung Quốc và nhập về Việt Nam mấy năm nay với số lượng từ 2.000-2.500 tấn/năm.
Khi câu chuyện xoài thật, xoài giả sáng tỏ thì cũng chính là lúc dân Việt biết mình bị lừa, thậm chí bị lừa nhiều năm liền mà không biết.
Song, đó chưa phải là tất cả. Tháng 10 năm nay, dân Việt một lần nữa ngã ngửa khi “táo đá Hà Giang”, loại quả cả chục năm qua “làm mưa làm gió” khắp các tỉnh thành, thậm chí cả ở Hà Giang, giá chỉ 20.000-25.000 đồng/kg, cũng bị bóc mẽ là hàng Trung Quốc.
Những tưởng loại táo giòn ngọt này là đặc sản của Hà Giang, nhưng chính lãnh đạo tỉnh này khẳng định, Hà Giang không trồng táo đá và dân buôn đều biết đó là hàng Tàu. Một lần nữa, dân Việt lại được “ăn dưa bở”.
Người dân ăn táo đá Trung Quốc nhiều năm nay vì nghĩ chúng được trồng ở Hà Giang |
Đầu tháng 11 vừa qua, không ít người cũng thích thú mua ăn loại bưởi có vỏ vàng bóng, được quảng cáo là bưởi giống mới ở Việt Nam. Chẳng ai nghi ngờ, vì đúng là chúng ta trồng hàng chục giống bưởi khác nhau, trên khắp các vùng miền, thậm chí còn xuất khẩu.
Sau đó ít lâu, lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật thông tin bưởi vàng bóng trồng ở Phúc Kiến (Trung Quốc), hàng năm vẫn được nhập về Việt Nam.
Xưa có câu “quá tam ba bận”, nhưng năm 2016 dân Việt còn bị lừa cú nữa khi lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin quả lựu – món ăn vặt ưa thích của các chị có bán trên thị trường Việt được nhập 100% từ Trung Quốc. Lý do rất dễ hiểu: Việt Nam không có vùng trồng lựu làm hàng hoá.
Chẳng ai lừa mình, ta tự lừa ta
Câu chuyện hàng Trung Quốc đột lốt nông sản Việt để lừa chính người Việt, xét cho cùng, cũng là ta tự hại mình.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, tại buổi họp báo đầu tháng 11, cho hay, chưa tính lượng rau củ quả, chỉ tính riêng hoa quả tươi, 10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập hơn 120.000 tấn hoa quả Trung Quốc. Ông cũng thừa nhận hai nước gần nhau nên mùa nào thức đó, trái cây Tàu đều được nhập vào Việt Nam.
Năm 2016, người Việt dính hết cú lừa này đến cú lừa khác khi phát hiện nhiều loại quả Trung Quốc gắn mác Việt |
Lãnh đạo một Chi Cục kiểm dịch thực vật trên cửa khẩu cũng nói thêm, có những loại vào chính vụ, chúng ta còn nhập cả 100 tấn/ngày.
Thực tế, theo các tiểu thương chợ đầu mối, các loại hoa quả Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu rồi đến chợ đầu mối vẫn dưới mác chuẩn “hàng Trung Quốc”. Ngoài một số nhỏ đi tiểu ngạch còn buôn khối lượng lớn đều đi chính ngạch, đăng ký hàng hóa nhập khấu Trung Quốc rõ ràng.
Nhưng, từ chợ đầu mối ra đến các chợ lẻ, hàng trăm ngàn tấn hoa quả Trung Quốc đã được dân buôn bán lẻ tại các chợ, tuyến phố, cửa hàng hoa quả rao bán dưới mác “hoa quả Việt”.Chả có đâu người ta tìm thấy hoa quả Trung Quốc bày bán.
Vậy, ai là người đã biến hoa quả Trung Quốc thành hoa quả Việt Nam? Câu trả lời đã rõ mười mươi, chỉ có người Việt tự biến hoa quả Trung Quốc thành hoa quả Việt để lừa bán cho dân ăn chứ chẳng phải người Tây hay người Tàu sang đây để lừa dân Việt.
Nói như ông Nguyễn Thanh Quang, chủ trang trại nuôi lợn sạch ở Ba Vì (Hà Nội), thì dân Việt giờ đa phần mua hàng bằng niềm tin. Họ thà ra chợ mua thịt tươi không rõ nguồn gốc còn hơn là mua thịt lợn sạch được đóng bao gói hút chân không.
Kết quả, cả năm 2016 dân Việt cay đắng vì bị lừa ăn hoa quả Trung Quốc quanh năm. Thậm chí, bị lừa ăn hàng chục năm mà không hề hay biết.
Vào tháng cuối năm, thông tin người dân TP.HCM bắt đầu “soi” thịt sạch bằng điện thoại thông minh như lóe lên một tia hi vọng, giúp người dân tìm được rau thịt đảm bảo an toàn trong bối cảnh thị trường nhập nhèm, hỗn độn bẩn – sạch. Nếu các loại hoa quả nhập khẩu cũng được gắn số, kiểm soát như vậy có lẽ giảm dần những cú lừa hàng Tàu là đặc sản Việt.
Theo Băng Dương/Vietnamnet