Phật thủ Đắc Sở rộn ràng đón Xuân

Kinh tế - Ngày đăng : 02:22, 21/01/2017

(Moitruong.net.vn)

– Mảnh đất Đắc Sở được thiên nhiên ưu ái bồi đắp bằng lượng phù sa ngọt mát, thuận lợi trồng những giống cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm trở lại đây, Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) được coi là “kinh đô” Phật thủ của cả nước. Tay to, đều quả, không vết, da căng bóng tỏa hương thơm dịu, để được lâu và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc – quả Phật thủ Đắc Sở là một trong những loại được nhiều người ưa chuộng dùng để bày mâm ngũ quả ngày Tết.

Làm giàu từ trồng quả hình tay Phật

Phật thủ “bén duyên” với đất Đắc Sở nhờ bàn tay của ông Nguyễn Văn Quang. Năm 2002, ông Quang đã đem về làng 4 cây phật thủ từ vùng núi phía Bắc về trồng tại vườn nhà.  Lúc đó, cây Phật thủ rất lạ lẫm bởi người dân nơi đây vốn đã quen với trồng cam Canh đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Bốn cây phật thủ ấy lớn nhanh, ra hoa, kết trái và khiến ông Quang cũng như người dân Đắc Sở ngạc nhiên bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Ông Nguyễn Đình Lê, Nguyễn Văn Thiết nhân giống, phát triển thêm diện tích lớn đất canh tác. Nhận thấy nguồn lợi nhuận lớn từ loại cây mới này mang lại, số hộ trồng phật thủ ngày càng đông, Đến bây giờ, toàn xã đã có khoảng 450 hộ trồng với diện tích lên đến 250 ha. Năm 2013, Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở đã chính thức được thành lập với 40 thành viên.

Untitled

Bà Nguyễn Thị Hường – Chủ tịch UBND xã Đắc Sở

Chủ tịch UBND xã Đắc Sở, bà Nguyễn Thị Hường cho biết: “Hiện nay, toàn xã Đắc Sở có khoảng 250 ha trồng cây Phật thủ, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cây Phật thủ là một trong những cây trồng chủ lực của xã Đắc Sở, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống của bà con nhân dân Đắc Sở. Hiện phật thủ Đắc Sở đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Xã Đắc Sở đã và đang xây dựng thương hiệu Phật thủ Đắc Sở ngày càng phát triển hơn nữa, phấn đấu phát triển mở rộng thị trường, mang “tiếng thơm” Phật thủ Đắc Sở vươn ra thị trường thế giới”.

Năm mẫu Phật thủ của gia đình nhà Chị Nguyễn Thị Thủy nặng trĩu quả, trung bình mỗi cây Phật thủ trong vườn đạt từ 50 – 70 quả. “Với thị trường giá cả ổn định như năm nay, trung bình mỗi quả dao động 200 – 300 nghìn/quả giá bán buôn. Nhưng trong vườn Phật thủ cũng có những quả lên đến tiền triệu bởi hình dáng đặc biệt của nó” – Chị Thủy hồ hởi chia sẻ.

Theo Chủ tịch xã Đắc Sở, nhờ giống cây này mà nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều người có nhà cao tầng, có tiền mua đất, sắm sửa nhiều thứ trong nhà. Bà Hường cho biết thêm hiện ngoài phần đất của xã, hầu hết các hộ dân đều phải đi thuê đất của các xã khác để trồng phật thủ. Hiện nay, người dân trong xã đang thuê đất vùng bãi của xã Yên Sở, Tiền Yên (Hoài Đức), Sài Sơn (Quốc Oai) và ở huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ để trồng loại cây này.

Chăm sóc cây như chăm con

Để có được những vườn cây phật thủ quả đẹp, nhiều ngón, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, việc chăm sóc cây rất vất vả và tỉ mỉ.

Untitled1

Quả Phật thủ trị giá hàng triệu đồng

Cây Phật thủ trồng 2 năm sẽ cho thu hoạch, kỹ thuật trồng cây Phật thủ đòi hỏi sự cầu kì. Cây Phật thủ mỗi năm ra hoa 2 lần vào tháng 1 và tháng 6 hàng năm. Cây Phật thủ cho thu hoạch quanh năm nhưng vụ chính tập trung vào Tết. “Nếu cây Phật thủ ra hoa vào tháng 6 sẽ cho thu hoạch vào đúng dịp Tết âm lịch. Chính vì vậy, bà con trồng Phật thủ Đắc Sở đã có cách chăm sóc đặc biệt, để ép hoa Phật thủ ra đúng dịp. Thời gian thu hoạch Phật thủ bắt đầu nhộn nhịp từ đầu tháng 12 âm lịch, thời gian thu hoạch rầm rộ nhất rơi vào khoảng từ ngày 18 – 23. Người chăm cây phải yêu và hiểu nó mới gắn bó được. Như việc bón phân cũng phải theo định kỳ, không bón ồ ạt được. Bón phân phải đều, nếu nhiều quá hoặc ít quá cây đều chết. Khi bón các loại phân cao cấp, phân gà trấu, phân heo thì phải qua xử lý. Để cây phật thủ cho quả đẹp, mình cũng phải làm bạn với phân. Xử lý ủ phân heo phải thử chi li đến mức khi nào phân mát mới được bón cho cây, nếu phân còn nóng mà bón cây sẽ chết” – Ông Tạ Văn Phúc, Chủ tịch Hội sản xuất kinh doanh Phật thủ xã Đắc Sở cho biết.

Untitled2

Những chùm Phật thủ sai trĩu

Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ nhà vườn trồng Phật thủ trăn trở: “Năm nay, do thời tiết biến đổi thất thường, lượng mưa giảm nên trái Phật thủ năm nay không được to như năm ngoái. Quả Phật thủ để đạt được mã đẹp với 4 yếu tố tay to, đều quả, nhìn bóng bẩy, căng mọng đòi hỏi thời tiết thuận lợi mưa thuận. Bởi lượng ẩm là yếu tố quyết định đến vẻ đẹp của quả Phật thủ”.

Phật thủ là giống quả tâm linh, phù hợp để thờ cúng vào mỗi dịp lễ Tết. Vào dịp Tết, những quả phật thủ đẹp luôn được các đại gia săn đón. Họ sẵn sàng trả giá cao để mua những quả mình thích. Do vậy loại quả này thường không có khung giá cố định mà phụ thuộc vào tâm lý khách hàng.

Ông Phúc cho biết thêm: “Quả phật thủ đẹp là quả hội tụ các đặc điểm về hình thức như có màu mơ vàng, ngón to, nhọn, nhiều tầng và có đường kính lớn. Theo dân “sành chơi” thì khi đếm lớp ngón ngoài cùng của quả, nếu là số lẻ và rơi vào chữ “Thịnh” trong quy luật “Thịnh –Suy – Vi – Thái” thì quả đó đặc biệt có giá trị. Với những quả đáp ứng đầy đủ các điều kiện như trên thì nhiều đại gia sẵn sàng chi tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng để được sở hữu”.

Những vườn Phật thủ sai trĩu quả, hứa hẹn một vụ thu hoạch thắng lợi. Tết Đinh Dậu đang đến gần, thời điểm này các hộ gia đình trồng phật thủ tại Đắc Sở tất bật với việc chăm sóc cho phật thủ để phục vụ cho khách hàng trong dịp tết được tốt nhất. Sau những ngày tháng tỉ mỉ chăm sóc, người nông dân Đắc Sở đang “chờ hái quả”.

Hồng Hạnh

Hồng Hạnh