Đăk Nông: Hồ tiêu mất mùa, giá giảm sâu

Kinh tế - Ngày đăng : 03:41, 21/02/2017

(Moitruong.net.vn)

Hiện nay tại tỉnh Đăk Nông người dân đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu , tuy nhiên giá thu mua lại “rớt thê thảm” khiến người dân lo lắng.

Hồ tiêu cho lợi nhuận cao, ổn định đang tạo động lực để “nhà nhà” trồng tiêu, “người người” trồng tiêu. Tại tỉnh Gia Lai, theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000 ha nhưng hiện con số đã tăng lên hơn gấp đôi.

Còn tỉnh Đăk Nông tính đến tháng 5/2016, diện tích hồ tiêu đã lên tới con số gần 20.000 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 là 12.951 ha… Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk vốn nổi danh là thủ phủ của cây cà phê, hiện nhà nông cũng đang “say nắng” với phong trào trồng hồ tiêu. Tính đến thời điểm tháng 5/ 2016, tỉnh này đã có gần 22.000 ha hồ tiêu, vượt khoảng 15.000 ha so với diện tích quy hoạch của năm 2015, trở thành địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất khu vực Tây Nguyên.

a2

Người dân trồng hồ tiêu ồ ạt dẫn đến nhiều nguy cơ

Theo ước tính, cả nước có khoảng 130,000 ha tiêu, vượt tới hơn 2,5 lần so với quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Hiện giá hồ tiêu trên thị trường vào khoảng 115.000-118.000 đồng/kg, giảm 30% so với năm ngoái. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ít nhất trong những tháng tới, giá tiêu khó tăng trở lại do nguồn cung đang nhiều, trong khi nhu cầu không tăng tương ứng.

Ông Đào Thành, xã Nâm N’Jang, huyện Đác Song chia sẻ với báo chí: “Với hơn 5 ha hồ tiêu kinh doanh, những năm được mùa sản lượng đạt khoảng 20 tấn, giá bán giao động từ 180 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/1kg gia đình tôi thu về gần 4 tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay do gặp nắng hạn kéo dài ngay từ đầu vụ khiến chuỗi tiêu bị răng cưa, kéo giảm sản lượng khoảng 20-25% so với trước. Cùng với đó, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, hiện nay chỉ còn khoảng 130 nghìn đồng/1kg nên mùa thu hoạch tiêu năm nay người trồng tiêu bị thiệt hại rất lớn”.

Theo các chuyên gia trong ngành, diện tích cây hồ tiêu đang tăng nhanh, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau thời gian phát triển, rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Hiện cây hồ tiêu được bà con trồng trên nhiều chân đất khác nhau, kể cả ở những nơi không phù hợp, chưa xử lý tuyến trùng hại rễ hoặc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong việc chăm sóc nhằm tăng năng xuất làm cho chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Khánh Thu

Khánh Thu