Ngành cà phê bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu
Kinh tế - Ngày đăng : 04:50, 14/03/2017
(Moitruong.net.vn) Trước đó theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Khí hậu, trụ sở ở Sydney, Australia , nhiệt độ toàn cầu gia tăng sẽ làm giảm 1/2 diện tích trồng cà phê thế giới vào năm 2050 và tác động sinh kế của hơn 120 triệu người nghèo nhất thế giới phụ thuộc nền kinh tế cà phê, trong đó có 25 triệu nông dân trồng cà phê.
Theo Thanh Niên đưa, những nghiên cứu công bố tại hội thảo cho thấy BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và phát triển bền vững của ngành cà phê.
Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên cho biết BĐKH đã làm tăng nhiệt độ ở Tây nguyên, nơi canh tác phần lớn cà phê của VN, nguồn tài nguyên nước suy giảm, quy luật phân bố mưa thay đổi, mưa trái mùa xuất hiện nhiều gây trở ngại quá trình ra hoa, kết trái cà phê…
Nhiệt độ toàn cầu gia tăng sẽ làm giảm 1/2 diện tích trồng cà phê thế giới vào năm 2050
Nghiên cứu của dự án Sáng kiến cà phê và khí hậu cũng nhận định BĐKH làm hạn hán xảy ra liên tục những năm gần đây, nhiệt độ cao đã khiến sâu bệnh hại bùng phát mạnh trên cây cà phê…
Năm 2016, diện tích cà phê cả nước đạt trên 643.000 ha, năng suất khoảng 24 tạ/ha, thuộc mức cao của thế giới. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch trên 3,36 tỷ USD. Riêng tại Tây Nguyên, diện tích trồng cà phê đạt cao với khoảng 540.000 ha, vượt rất xa so với quy hoạch đến năm 2020 là 447.000 ha.
Riêng năm 2016, hạn hán làm thiệt hại trên 116.000 ha cà phê. Đầu năm 2017, xuất hiện tình trạng mưa trái mùa làm cho hàng vạn ha cà phê ra hoa sớm, nên nguy cơ giảm khả năng đậu quả và giảm năng xuất đã hiện hữu.
Tình trạng khí hậu không thuận lợi cho ngành trồng cà phê ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng chung trên thế giới.
Ở Tanzania, nơi sinh kế của 2,4 triệu người phụ thuộc cà phê, nhiệt độ tối thiểu ở các nông trại cà phê cứ tăng 1oC là làm giảm năng suất khoảng 137kg/ha, nhìn chung năng suất đã giảm 50% kể từ những năm 1960.
Ở Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, hạn hán đã làm giảm sản lượng cà phê khoảng 30% trong năm 2014 ở Minas Gerais, một vùng chính trồng cà phê. Nhiệt độ quá cao và mưa lớn bất thường ở các vùng cao nguyên trồng cà phê đã gây dịch hại và bệnh tật tốn kém cho các nông trại cà phê.
Trong năm 2012, bệnh rỉ lá lây lan 1/2 diện tích trồng cà phê ở khắp Trung Mỹ, làm một số nhà sản xuất ở Guatemala bị mất mùa đến 85%.
Trong năm 2012-2013, thiệt hại ở Trung Mỹ lên tới khoảng 500 triệu USD và làm 350.000 người mất việc.
Khánh Thu