TP. Hồ Chí Minh: Nguy cơ nước uống, nước sinh hoạt nhiễm vi sinh tại nhiều khu vực
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 04:33, 12/04/2019
– Do hàm lượng Clo dư vốn thấp, lại lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên nước tái nhiễm vi sinh là nguy cơ có thể xảy ra tại một số quận, huyện ở TP.HCM.
>>> Tiết kiệm nước ứng phó với khô hạn tại lưu vực Vu Gia – Thu Bồn
>>> Giải pháp hữu hiệu: Tái sử dụng nước thải để bảo vệ tài nguyên nước
Qua giám sát, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã thu thập 3.155 mẫu, chỉ có 57,91% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý; 95,63% mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM: Do áp lực nước hiện nay không đồng đều tại các khu vực, nước tại các khu vực cuối hệ thống cấp nước có áp lực yếu, hàm lượng clo dư thấp do thất thoát trên đường đi.
Các hộ dân cuối hệ thống mạng lưới đường ống nước (gồm các quận 2, 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh…) phải sử dụng bồn chứa để bơm nước sử dụng. Thêm vào đó, hàm lượng clo dư vốn thấp lại lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên việc tái nhiễm vi sinh là nguy cơ có thể xảy ra tại các điểm này.
Báo cáo về chất lượng nguồn nước cung cấp cho ăn uống, sinh hoạt cũng cho thấy: Lượng clo dư thấp trong nước tại khu vực các quận 6, 10, 11, Tân Bình và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Đặc biệt là vùng ngoại thành, khu vực mới được cấp nước sạch, có tỉ lệ mẫu nước không đạt cao, chủ yếu là không đạt clo dư.
Trước tình hình này, Trung tâm Y tế Dự phòng TP tập trung triển khai giải pháp giám sát tất cả các nguồn nước sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt, kịp thời phát hiện sớm các thay đổi về chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cập nhật số liệu công trình phân nước rác trên địa bàn TP; hướng dẫn, vận động người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm dần số lượng nhà vệ sinh trên sông,..
Hà Thu (T/h)