Tiền Giang: Vú sữa Lò Rèn trượt giá, người dân lao đao
Kinh tế - Ngày đăng : 03:21, 15/03/2017
(Moitruong.net.vn) Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000ha vú sữa, trong đó rất nhiều vườn đang rơi vào tình trạng chín muộn so với thời vụ năm ngoái. Thời tiết mưa trái mùa, nên giá vú sữa tại khu vực này cũng giảm mạnh.
Hiện giá mua tại vườn đối với loại đặc biệt (4 trái một kg) dao động khoảng 32.000 đến 35.000 đồng, thấp hơn gần 10.000 đồng so với năm trước. Tuy nhiên, số lượng trái đạt chuẩn này chỉ khoảng 10% tổng sản lượng. Thiệt hại nhất là loại kích thước nhỏ khoảng 10 trái một kg, tuy màu sắc và độ chín cũng đồng đều nhưng giá chỉ 5.000 đến 6.000 đồng, chưa bằng một nửa so với năm ngoái.
Theo VnExpress đưa, một số nhà vườn chuyên canh vú sữa tại xã Vĩnh Kim, ước tính sản lượng giảm hơn 80% nhưng không có hiện tượng thương lái tranh nhau mua. Vú sữa giá từ 5.000 đến 21.000 đồng một kg chủ yếu tiêu thụ tại thị trường TP HCM, còn loại chất lượng nhất có chỉ dẫn địa lý được đóng gói vận chuyển ra miền Bắc.
Hình ảnh vú sữa Lò Rèn vào độ thu hoạch
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho rằng nguồn nước nhiễm phèn đổ về ngày càng nhiều, trong khi lượng phù sa từ kênh rạch xung quanh giảm nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất mùa. Bên cạnh đó, việc nông dân trồng cây mới trên những diện tích đất được cải tạo thay cho cây chết cũng không hiệu quả, giảm khả năng đề kháng và sinh trưởng cành lá.
Theo ông Ngàn, thời tiết thay đổi thất thường cũng ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch và kích thước trái, điển hình như việc vài cơn mưa trái mùa gần ngày thu hoạch làm vú sữa bị nứt, thối rất nhiều. Dự kiến mùa thu hoạch năm nay sẽ kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch, tức trễ hơn 2 tháng so với những năm điều kiện thuận lợi.
Nhận định nguyên nhân giá vú sữa thấp, Ông Trương Văn Cho, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Tiền Giang trao đổi với báo NNVN, Vú sữa năm nay nhỏ hơn mọi năm cũng do nhiều nguyên nhân như vườn vú sữa hầu hết đều từ 30 năm tuổi trở lên, bắt đầu có dấu hiệu già cỗi từ năm 2015 và đến năm nay thể hiện rõ nhất.
Tiếp đó do người dân chăm bón chỉ chú trọng phân vô cơ (đạm, lân, kali…) mà không chú trọng tới phân hữu cơ khiến đất bị thoái hóa, cằn cỗi. Người dân chưa làm đúng kỹ thuật chăm sóc vườn cây như chưa tỉa cành, quả, khiến cây không nuôi được hết quả khiến quả nhỏ.
Phạm Huyền