Tìm giải pháp thay thế những con đập ở Mê Kông

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:00, 05/04/2019

Nghiên cứu này do Ủy hội Sông Mê Công Quốc tế (MRC) thực hiện trong 6 năm (2012 – 2017), công bố vào tháng 2/2018.

– Ngày 3/4, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế xuất bản tài liệu tóm tắt nội dung “Nghiên cứu Hội đồng: Các phát hiện quan trọng từ Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, gồm tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính”.

>>>Tìm giải pháp sử dụng vật chất nạo vét cảng Dung Quất

>>>ĐBSCL: 40% diện tích đất sẽ bị “chìm” do biến đổi khí hậu

Nghiên cứu nhằm đưa ra các bằng chứng khoa học tin cậy về tác động đối với môi trường, kinh tế, xã hội của việc phát triển trên sông Mê Công, qua đó, giúp MRC tư vấn cho các nước thành viên (bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam) về các tác động tích cực và tiêu cực của việc phát triển tài nguyên nước trong lưu vực cũng như những giải pháp thay thế những con đập ở khu vực này.

Nghiên cứu nhấn mạnh việc xây dựng 11 dự án thủy điện lớn trên phần hạ lưu dòng chính sông Mê Công và 120 đập trên các dòng nhánh đã được quy hoạch tới năm 2040 sẽ đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái và kinh tế khu vực cũng như tới khả năng con người tiếp cận đầy đủ tới nguồn thực phẩm dinh dưỡng.

Các kế hoạch xây dựng thủy điện hiện nay sẽ làm giảm tới 97% lượng phù sa đáy về châu thổ Mê Công. Trong đó, khu vực dễ bị tổn thương nhất là vùng đồng bằng ngập lũ ở Campuchia, hệ sinh thái sông Tonle Sap và ĐBSCL ở Việt Nam.

Ngoài ra, các tác động xuyên biên giới của sự phát triển tài nguyên nước tới năm 2040 được dự báo sẽ gây ra “sự hủy hoại tính toàn vẹn của toàn bộ hệ sinh thái trên phạm vi rộng”.

Thêm nữa, việc phát triển thủy điện đến năm 2040 cũng dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp cá. Tổng sinh khối thủy sản sẽ giảm từ 35 đến 40% vào năm 2020 và 40–80% vào năm 2040. Đặc biệt, không một loài cá di cư nào trên sông Mê Công có thể sống trên các hồ chứa do các đập tạo thành được quy hoạch xây dựng từ năm 2020 tới 2040.

Điểm đáng chú ý nữa là sự thiếu vắng sự tham gia của công chúng cũng như sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình lập quy hoạch và ra quyết định về các dự án thủy điện. Các thông tin toàn diện về các dự án xây đập trên dòng chính Mê Công vẫn chưa công khai rộng rãi mặc dù nhiều cộng đồng, các nhóm xã hội dân sự, các đối tác phát triển và các quốc gia hạ lưu nhiều lần yêu cầu.

Người dân đánh bắt thủy sản trên sông Mê Kông (Ảnh: IR)

Nghiên cứu khẳng định các quốc gia thành viên MRC cần hợp tác và tạo nên mạng lưới phân phối có hiệu quả để tránh nhiều người dân bị thiếu dinh dưỡng do hậu quả của sự thay đổi các hệ sinh thái trong lưu vực sông Mê Công.

Bên cạnh đó, Nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia xem xét các công nghệ năng lượng mới như năng lượng mặt trời và năng lượng gió để thay thế cho thủy điện – dựa trên các đánh giá về giải pháp thay thế mà Nghiên cứu đã thực hiện.

Đặc biệt, Nghiên cứu nhấn mạnh các bên liên quan cần phải được tham gia thực sự trong tiến trình ra quyết định để vừa đạt được các giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực Mê Công, vừa hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng ven sông và các nền kinh tế quốc gia.

Bà Maureen Harris, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế khẳng định phương pháp tiếp cận trên toàn lưu vực là rất cần thiết để giải quyết những thách thức chung. Để các cuộc đàm phán thành công, tất cả các bên phải được tham gia tích cực, có ý nghĩa vào việc ra quyết định. Đây là việc làm cần thiết để đạt được các giải pháp vừa bảo vệ được sự giàu có về môi trường nhưng vẫn phát triển kinh tế của các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng lưu vực sông.

Mai Chi (T/h)

Mai Chi (T/h)