Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình: Xây dựng chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Kinh tế - Ngày đăng : 11:57, 19/06/2017
(Moitruong.net.vn) –Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và có thương hiệu trong và ngoài nước, thì việc xây dựng chiến lược để phát triển và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài là điều doanh nghiệp nào cũng phải làm, vấn đề là các doanh nghiệp lựa chọn chiến lược như thế nào để phát triển vươn ra hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là ý kiến của ông Lê Viết Hải – PCT Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, CTHĐQT/TGĐ Công ty CP tập đoàn xây dựng Hoà Bình trong buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn Báochí, doanh nghiệp đồng hành cùng APEC 2017.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi gặp mặt với các doanh nhân, nhà báo
Ngày 18/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp kiến và gặp mặt thân mật với đại biểu là các nhà báo và các nhà doanh nhân, đúng vào dịp Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017). Đây là dịp báo chí và doanh nghiệp cùng nhau khẳng định và làm sâu sắc hơn mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động truyền thông báo chí với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại buổi tiếp kiến này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ phía doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi xin đăng tải ý kiến của ông Lê Viết Hải – PCT Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, CTHĐQT/TGĐ Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Các doanh nhân phát biểu ý kiến với Thủ tướng
Những năm gần đây, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc và chúng ta đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại ở nhiều dự án siêu sao, có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao tại thị trường trong nước; qua đó đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà với những công trình quy mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ.
Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng, ngành Xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài – đây là thị trường có quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ đô la, lớn gấp hàng trăm lần thị trường xây dựng trong nước. Trong đó, có những thị trường phát triển nóng với nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam ra nước ngoài cùng với chuỗi cung ứng vật liệu, trang thiết bị và các dịch vụ tư vấn, vận chuyển, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng,.v…v.
Việc thực hiện thành công chiến lược mở rộng thị trường xây dựng ra nước ngoài không chỉ mang về nguồn ngoại tệ rất lớn cho đất nước mà còn nhanh chóng xác lập hình ảnh, uy tín thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thành công trong chiến lược hội nhập quốc tế mà Chính phủ đã đề ra. Hơn nữa, chiến lược hội nhập quốc tế này còn giúp chúng ta phát triển ngành Xây dựng ổn định, bền vững kể cả khi thị trường xây dựng trong nước rơi vào giai đoạn thoái trào hoặc bão hoà.
Chính vì lẽ đó, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã kiến nghị và đề xuất mười giải pháp cụ thể với Chính phủ, nhằm đưa Xây dựng là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường thế giới.
Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng, các doanh nghiệp Xây dựng sẽ chủ động khai thác các cơ hội vươn mình ra thị trường thế giới không chỉ vì lợi ích kinh tế của mỗi doanh nghiệp mà xác định đây là sứ mệnh quan trọng đối với Quốc gia. Xây dựng những công trình có quy mô lớn, chất lượng cao ở nước ngoài giúp chúng ta khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, củng cố niềm tự hào dân tộc và nâng cao uy tín thương hiệu ngành Xây dựng Việt Nam. Để thực hiện thành công sứ mệnh đầy thử thách này, các doanh nghiệp xây dựng dẫn đầu cần có sự đoàn kết, đồng lòng và một quyết tâm rất lớn trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của mình theo hướng quốc tế hóa, hợp tác đồng hành với những doanh nghiệp ở những ngành có liên quan khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, địa ốc, tư vấn, vận tải, tài chính – ngân hàng, kể cả hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Việc này cần phải hành động quyết liệt, triển khai ngay những gì có thể làm được; nếu chần chừ, do dự, chúng ta sẽ bỏ mất thời cơ quý báu.
Lấy kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, một nước có thu nhập bình quân đầu người 2.000USD/năm, vào năm 1995 quốc gia này bắt đầu xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài; đến nay, xây dựng đã trở thành ngành kinh tế quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, thu nhập đầu người năm 2016 đã tăng lên 20.000 USD/năm. Vậy, nâng cao năng lực ngành Xây dựng ra thị trường nước ngoài không chỉ giúp phát triển ngành Xây dựng bền vững mà còn góp phần nâng cao thu nhập quốc dân.
Sự chủ động hội nhập kinh tế toàn cầu của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ bằng chủ trương, chính sách, bằng những nghị quyết cụ thể và thiết thực của Chính phủ; đặc biệt, ngành Xây dựng cần giải quyết ngay nợ xấu, rút gọn các thủ tục hành chính và thực thi các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dương Hạnh