Triển khai phương án phục hồi lúa mùa sau ngập úng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:48, 20/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Dự báo mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng lúa mùa. Để bảo đảm diện tích lúa mùa bị ngập úng hồi phục nhanh mà vẫn cho năng suất cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa đưa ra phương án phục hồi sản xuất lúa mùa sau ngập úng.
Triển khai phương án phục hồi lúa mùa sau ngập úng
Theo kế hoạch, diện tích gieo cấy lúa mùa năm nay là 98.860ha, năng suất phấn đấu đạt 55 tạ/ha, sản lượng 543.730 tấn thóc. Hiện nay, đang là tâm điểm mùa mưa bão và trùng với thời điểm lúa mùa mới gieo cấy. Trong trường hợp mưa lớn, những ruộng lúa bị ngập nặng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, ít ngày sau khi nước rút, nông dân kiểm tra bộ rễ, thân cây lúa, nếu còn khả năng sinh trưởng thì tiến hành các biện pháp rửa lớp bùn trên lá, chăm sóc để ruộng lúa phục hồi nhanh, phun bổ sung chế phẩm sinh học, bón thêm từ 2kg đến 3kg đạm urê/sào. Nếu lúa không còn khả năng hồi phục, phải cấy lại, có thể tiếp tục gieo mạ cấy lại bằng mạ dự phòng hoặc tỉa cây lúa từ những ruộng cấy dày.
Trong trường hợp lúa phải cấy lại, do gieo cấy muộn nên thời gian lúa trỗ chín muộn hơn so với đại trà, rất dễ bị sâu bệnh hại và ảnh hưởng xấu bởi thời tiết cuối vụ. Để rút ngắn thời gian sinh trưởng, hạn chế thiệt hại, ở những nơi có điều kiện chủ động được nước tưới thì áp dụng biện pháp gieo thẳng; nếu không gieo thẳng được thì gieo mạ sân hoặc mạ trên nền đất cứng để cấy lại.
Từ ngày 1 đến ngày 15/8, thời kỳ này lúa đẻ nhánh, cây lúa đã cao, khả năng chịu ngập úng tốt hơn, khả năng tái sinh cũng mạnh hơn. Phương án xử lý các tình huống lúa mùa bị ngập như sau: Khi nước rút, giữ lại mực nước vừa đủ từ 3 đến 5cm, cây lúa mềm yếu cần được bảo vệ, chăm sóc, làm cỏ và tỉa dặm, bón bổ sung mỗi sào 2kg đạm urê, từ 2kg đến 3kg kali, lúa sẽ đẻ nhánh, tái sinh. Trường hợp ruộng lúa bị ngập sâu, lâu ngày, khi nước rút, giữ lại mức nước nông vừa đủ từ 3cm đến 5cm, tiến hành bừa, cấy lại bằng mạ gieo dự phòng hoặc tỉa lúa từ ruộng cấy dày và ruộng gieo thẳng để cấy lại.
Sau ngày 15/8, thời kỳ này lúa đã phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ bông, cây lúa có khả năng vươn theo nước. Nếu nước ngập nông, rút sớm, quan sát thấy thân cây lúa chưa chết, đòng chưa thối, tập trung chăm sóc tốt vẫn cho thu hoạch; bón thúc nuôi đòng bằng phân đạm urê và kali (3kg đạm urê và 3kg kali/sào). Cây lúa bị ngập úng sau 20/8, kiểm tra thấy lúa đã chết thì chuyển sang nuôi cá vụ đông với những chân ruộng đủ điều kiện hoặc sản xuất vụ đông sớm.
H. Hải