Thừa Thiên – Huế: Hàng ngàn ha lúa bị nhiễm sâu bệnh

Kinh tế - Ngày đăng : 02:51, 25/07/2017

(Moitruong.net.vn) – Thời điểm này, nhiều diện tích trồng lúa ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đang bước vào giai đoạn làm đồng, hàng ngàn ha đã đứng cái, đẻ nhánh và một số diện tích đã trổ. Tuy nhiên, hiện có hơn 7.600 ha lúa, chiếm khoảng 27% diện tích lúa toàn tỉnh bị nhiễm các loại sâu bệnh.

lúa nhiễm sâu bệnh

Nạn sâu bệnh hoành hành có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây lúa

Theo ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tính đến ngày 24/7, khoảng 7.600 ha lúa, chiếm khoảng 27% diện tích lúa toàn tỉnh bị nhiễm các loại sâu bệnh. Trong đó, rầy nâu có đến 2.500 ha bị nhiễm bệnh với mật độ trung bình trên 1.000 con/m2, nơi cao đến 3.000 – 5.000 con/m2. Diện tích bị nhiễm tập trung ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế.

Các loại sâu bệnh như nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sâu đục thân, bọ phấn, chuột, thối bẹ, sọc vi khuẩn, bạc lá… gây hại ở mức độ, tỷ lệ thấp.

Theo dự kiến của Chi cục TT&BVTV Tỉnh, trong thời gian tới, các đối tượng sinh vật gây hại khác như: Chuột, sâu đục thân, bệnh đốm nâu, thối bẹ, sọc vi khuẩn, bạc lá vẫn tiếp tục phát sinh, phát triển trên đồng ruộng. Sâu cuốn nhỏ dự kiến nở từ ngày 25/7 – 5/8/2017, trùng với giai đoạn lúa trổ đại trà, dư báo sâu non gây hại nặng cục bộ trên diện tích lúa xanh tốt, ven làng, diện tích nhiễm mật độ cao giai đoạn đẻ nhánh. Rầy nâu, nhện gié tiếp tục tích lũy, gia tăng mật độ, tỷ lệ hại và có khả năng gây hại nặng cục bộ giai đoạn lúa trổ.

Hiện, Chi cục TT&BVTV phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến và triển khai các biện pháp phòng trừ, với phương châm “bốn đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.

Theo hướng dẫn của Chi cục TT&BVTV tỉnh, đối với rầy nâu, người dân cần sử dụng các loại thuốc: Phimetrozyne, Nitempyram, Dinotefuran… để phun phòng trừ; sâu cuốn lá, nhện gié… cần sử dụng các loại thuốc Dilen 10EC, Nauvo 3.6EC, Vimatox 1.9EC để phun. Cứ sau 2 – 3 ngày kiểm tra một lần, nếu sâu bệnh vẫn chưa thuyên giảm thì tiếp tục phun thuốc cho đến khi bệnh giảm dần. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác điều tra, giám sát đồng ruộng nhằm phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại, khoanh vùng diện tích nhiễm để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời trên diện hẹp.

                                                                               H.Đội