Homestay nở rộ ở Đà Lạt và vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách
Kinh tế - Ngày đăng : 01:50, 25/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Hơn hai năm trở lại đây, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), các cơ sở lưu trú dưới dạng homestay đua nhau mọc lên khắp mọi nơi. Loại hình lưu trú này đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước, nhất là giới trẻ, dân “phượt”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho khách để giữ vững thương hiệu du lịch Đà Lạt phát triển bền vững được nhiều người quan tâm.
Homestay ở Đà Lạt đang rất thu hút khách, tuy nhiên chủ cơ sở cần quan tâm đăng ký với cơ quan chức năng về các điều kiện cần và đủ theo quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho khách. Ảnh: N.Thu
Nở rộ dịch vụ homestay
Nhờ những nét độc, lạ, lại nằm giữa chốn “thôn quê” bao quanh là những vườn rau, hoa, đồi thông, những homestay này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đặc biệt của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách du lịch trẻ tuổi, khách nước ngoài. Những cơ sở lưu trú du lịch dưới dạng homestay tại Đà Lạt được mở rộng phát triển cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu nghỉ ngơi của du khách, nhất là những dịp cao điểm như hè, lễ, tết khi lượng khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng rất đông nhưng số lượng khách sạn, nhà nghỉ hiện nay chưa đáp ứng kịp.
Cách đây khoảng 4 – 5 năm, ở Đà Lạt, dịch vụ du lịch homestay chưa phát triển, nhưng người dân Đà Lạt đã rất sáng tạo, nhạy bén với loại hình dịch vụ du lịch đặc biệt này, một số hộ dân Đà Lạt tự đón khách Tây về nhà và cho thuê phòng nghỉ, cho khách cùng trải nghiệm với nét văn hóa sinh hoạt trong gia đình. Nhưng gần đây sự phát triển ồ ạt của homestay khiến người dân hết sức lo ngại, nhất là về vấn đề an toàn và an ninh trật tự. Nhiều khi chỉ cần có một cái nhà, nâng cấp sơ sài, có khi 1 phòng chỉ rộng khoảng 20 m2 đón 30 – 40 người ngủ nghỉ bởi khách chỉ cần có chỗ nghỉ chân vào buổi tối, chủ yếu thời gian trong ngày dành để đi tham quan khám phá Đà Lạt. Có khi những cơ sở dịch vụ lưu trú homestay lại rất bình dân như phòng trọ sinh viên, có cả hệ thống giường tầng đơn giản, giá rẻ và đón khách rất đông. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là ở trong những nhà nghỉ sơ sài như vậy cho thấy việc không đảm bảo an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho du khách nước ngoài. Vấn đề này được các cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng như Công an, phòng PA 72, PA 83 nhiều năm qua cũng đã tăng cường quản lý, kiểm tra nhiều lần tại các cơ sở này, đã xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đóng cửa.
Thống kê của Phòng Văn hóa – thông tin Đà Lạt, tính đến tháng 4 năm 2017, toàn thành phố Đà Lạt hiện có 928 cơ sở lưu trú du lịch với 14.637 phòng. Trong đó, có 252 cơ sở lưu trú dạng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê – homestay, với tổng số 2.024 phòng, trong đó có 85 cơ sở kinh doanh phòng tập thể. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng có 136 cơ sở với 1.667 phòng chưa đăng ký thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt.
Tình trạng phát triển ồ ạt, rầm rộ, tự phát dịch vụ du lịch homestay hiện nay, ngoài việc không đảm bảo an ninh, trốn thuế còn xảy ra các hiện tượng xã hội tiêu cực khác như nảy sinh nhiều dịch vụ “chặt chém” ăn theo trong ăn uống, phương tiện, “cò mứt”, “cò đặc sản”… Gần đây, ở Đà Lạt, tình trạng một số hộ dân mua đất nông nghiệp, làm nhà sơ sài để kinh doanh du lịch, chỉ cần có “view” – không gian, cảnh quan đẹp, có khi ở vùng ngoại ô để đón khách. Hình thức đón khách như vậy khiến cơ quan chức năng rất khó trong công tác quản lý, nhất là quản lý về con người, không xây dựng được hình ảnh đẹp về thương hiệu Đà Lạt. Trên thực tế, hầu hết các hộ kinh doanh này không đăng lý với cơ quan nhà nước mà chủ yếu tự do đưa thông tin lên các trang mạng xã hội để quảng cáo, mời gọi thu hút khách, khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý.
Theo kết quả kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch của Phòng Văn hóa – thông tin Đà Lạt: Kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê – homestay là hình thức kinh doanh đang phát triển nhanh chóng trên địa bàn thành phố Đà Lạt từ tháng 6/2016 đến nay. Hầu hết các cơ sở kinh doanh homestay đều có quy mô nhỏ, vừa là nhà ở vừa tận dụng phòng chống hoặc thuê lại để kinh doanh nên mức độ đầu tư trang thiết bị vật chất, tiện nghi rất hạn chế, chất lượng phục vụ và dịch vụ thiếu tính chuyên nghiệp, chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho du khách. Mặt khác, việc chấp hành các quy định, pháp luật nhà nước của các chủ cơ sở kinh doanh homestay còn chưa đảm bảo, đều là những cơ sở mới đưa vào hoạt động. Hầu hết các cơ sở này đều chưa nắm rõ các quy định của nhà nước về lĩnh vực kinh doanh lưu trú, cụ thể như qua kiểm tra phát hiện tình trạng: chưa tiến hành đăng ký thủ tục kê khai giá, chủ yếu bán phòng trên Internet, không ban hành nội quy cơ sở dành cho khách đến lưu trú, vệ sinh cơ sở chưa tốt, sử dụng hệ thống giường tập thể – dorm với sức chứa quá tải không đúng quy định về diện tích phòng… Một số homestay kinh doanh dựa trên ý tưởng kiến trúc lạ, xây dựng các phòng lưu trú cho du khách bằng các vật liệu không kiên cố, nhà tiền chế nhằm thu hút du khách trên diện tích được xác định là đất ở xây dựng, tuy nhiên chưa xuất trình được văn bản thông báo cũng như văn bản trả lời của chính quyền địa phương như các cơ sở lưu trú Cirele – Việt Nam, Phường 3 hay như Discovery Home – Phường 11 sử dụng Pi ống cống, hay như “Củi”, “Nơi Ẩn trú” Phường 3 sử dụng các Bungalow bằng đất và gỗ, “Hoàng Thông” sử dụng container… Qua kiểm tra một số cơ sở homestay chưa được cấp phép xây dựng, không đăng ký kinh doanh hoạt động.
Trước thực tế còn nhiều tồn tại, bất cập đó, năm 2016, UBND thành phố Đà Lạt đã có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng ban hành quy chuẩn cụ thể để quản lý các dịch vụ du lịch homestay ở Đà Lạt. Những quy chuẩn, điều kiện cần thiết chủ yếu dựa trên cơ sở quy chuẩn của cơ quan chức năng, cơ quan công an như: đảm bảo an ninh trật tự, phải có thiết kế, giấy phép xây dựng thì cơ quan công an mới cấp giấy đảm bảo an ninh trật tự.
Chủ một cơ sở kinh doanh homestay dạng biệt thự cao cấp gần Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cho biết: Khi có ý tưởng kinh doanh loại hình này tôi đã rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho khách cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại khu dân cư. Vì thế tôi đã tìm đến cơ quan chức năng hỏi và đang tiếp tục hoàn thiện các điều kiện theo yêu cầu và tôi thấy đều rất quan trọng như điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh, an ninh trật tự… Đây là vấn đề chúng tôi rất cần sự quan tâm hướng dẫn kịp thời của cơ quan chức năng. Làm thế nào để khi khách đến Đà Lạt, nghỉ dưỡng tại nhà mình họ thực sự cảm thấy thoải mái như ở nhà của mình và có cảm nhận tích cực về cảnh quan, môi trường, văn hóa của người Đà Lạt. Khi mà toàn thành phố vẫn đang nỗ lực tuyên truyền nhân dân xây dựng và giữ gìn phong cách “người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.
Để phát triển bền vững
Thế mạnh của Đà Lạt là du lịch, nhưng nếu không đưa hoạt động du lịch dịch vụ theo hướng bền vững, mà cứ kinh doanh kiểu “chụp dựt”, “ăn sổi” sẽ dẫn đến tình trạng mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu và môi trường đầu tư du lịch của thành phố, của tỉnh. Chủ trương của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích người dân làm du lịch, nhưng phải đảm bảo quy chuẩn chung của nhà nước. Nếu người dân làm đúng sẽ đảm bảo được rất nhiều quyền lợi cho du khách, cho cả chủ cơ sở homestay. Tránh xảy ra những vụ việc mất cắp đồ, tài sản, tiền bạc của khách, gây lộn đánh nhau gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác đối ngoại quốc gia.
Như vậy, để đảm bảo an toàn cho du khách và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay tại Đà Lạt thì các chủ cơ sở cần chấp hành nghiêm những quy định của nhà nước, cần đăng ký với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trước khi đưa vào hoạt động đón khách để hình ảnh của Đà Lạt “hiền hòa, thân thiện, mến khách” không chỉ đẹp trong lòng du khách trong nước mà đối với cả du khách nước ngoài. Mỗi người dân Đà Lạt nên ý thức rõ việc chung sức xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch chất lượng cao, chỉ có như vậy du lịch Đà Lạt mới phát triển bền vững bên cạnh nhiều loại hình du lịch phong phú khác.
Ông Tôn Thiện San – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt:
Trong thời gian qua, nhân dân kiến nghị phản ánh nhiều về việc kinh doanh dịch vụ du lịch homestay gây mất an ninh trật tự trong khu dân cư. Nhằm chấn chỉnh kịp thời những vấn đề liên quan đến việc chấp hành các quy định chung của Nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh lưu trú nói chung, kinh doanh loại hình dịch vụ homestay nói riêng, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa – thông tin xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an thành phố, UBND các phường tiến hành kiểm tra, thống kê số lượng loại hình homestay trên địa bàn thành phố. Qua đó, tập trung kiểm tra giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép xây dựng, đăng ký khách lưu trú, thực hiện cam kết giá, công khai số điện thoại nóng, bán đúng giá đăng ký, cam kết an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, thẩm định chất lượng cơ sở theo quy định của Tổng cục Du lịch Việt Nam, vệ sinh môi trường, biển bảng quảng cáo. Qua kiểm tra gần 200 cơ sở, phát hiện gần 21 trường hợp vi phạm, xử lý nhắc nhở 17 trường hợp, xử phạt hành chính 4 trường hợp với số tiền 16 triệu đồng. Để đảm bảo trật tự trong kinh doanh dịch vụ homestay, mới đây UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin rà soát tình hình cấp phép xây dựng đối với loại hình homestay, tiếp tục kết hợp các ngành kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cảnh quan môi trường, văn minh đô thị của thành phố trong thời gian đến.
Thượng tá Phan Tất Chí – Phó Trưởng Công an thành phố Đà Lạt:
Người dân không nên nóng vội chạy theo hình thức chụp dựt, “ăn sổi” theo kiểu dịch vụ lưu trú homestay bình dân, mà cần làm bài bản, chuyên nghiệp và có chất lượng, để đảm bảo tính bền vững. Chủ cơ sở phải có tư cách pháp nhân khi mở dịch vụ du lịch này.Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, vận động cho người dân biết và đăng ký, tuân thủ đúng pháp luật. Như thế là cách để hướng tới đảm bảo an toàn cho khách cũng như cho chính chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch homestay. Riêng về lĩnh vực an ninh quốc gia cũng là vấn đề được đặt ra, việc xuất hiện ồ ạt các homestay bình dân sẽ khiến các đối tượng hình sự, thậm chí cả đối tượng chính trị có thể trà trộn vào, gây phức tạp, rất khó quản lý. Chưa nói tới việc khi xảy ra sự việc đáng tiếc nào đó liên quan đến yếu tố người nước ngoài rất khó giải quyết hoặc giải quyết rất lâu, rất tốn kém, mất thời gian và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư du lịch của địa phương.
Hà Nguyệt(LĐO)