TP.HCM: Chất lượng nước sinh hoạt nhiều khu vực chưa đạt tiêu chuẩn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:00, 16/04/2019

– TPHCM vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân đang sử dụng nước giếng khoan, thậm chí nước sông đục ngầu không đảm bảo an toàn và đang đỏ mắt chờ nguồn nước máy từng ngày. Trong khi nhiều khu vực đã được cấp nước máy nhưng người dân không dùng hoặc chỉ dùng lấy lệ?

>>> Xu hướng công nghệ xử lý nước tại Việt Nam đảm bảo an toàn, hiệu quả

>>> Người dân Củ Chi khiếp hãi vì mùi hôi ở kênh Thầy Cai

Ảnh minh họa

Điều đáng nói hơn, nguồn nước này sau khi được xử lý, được kiểm tra, giám sát tại các hộ dân sử dụng cũng không đạt tiêu chuẩn nước sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống.

Cụ thể trong năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng TP giám sát, kiểm tra 3.155 mẫu nước sinh hoạt và ăn uống của người dân tại các quận huyện trên địa bàn TP thì chỉ có có 1.827 mẫu, đạt chỉ tiêu hóa lý và 3.017 mẫu đạt tiêu chí vi sinh. Như vậy, có đến 42,09% mẫu nước sinh hoạt, ăn uống của người dân không đạt tiêu chí hóa lý và 4,37% không đạt tiêu chí vi sinh.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, phần lớn các mẫu nước không đạt chất lượng chủ yếu là không đạt chỉ tiêu clo dư. Quá trình giám sát chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống tại các hộ dân ở khu vực quận 6, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn cho thấy tỷ lệ mẫu nước không đạt chất lượng rất cao, chủ yếu là không đạt chỉ tiêu clo dư.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo về nguy cơ tái nhiễm vi sinh trong nước ăn uống và sinh hoạt tại các quận 2, quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh… “Những địa bàn trên nằm ở cuối hệ thống mạng lưới đường ống nước nên áp lực nước rất yếu, người dân phải dùng bồn chứa để bơm nước sử dụng.Thêm vào đó, hàm lượng clo dư vốn thấp lại lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên việc tái nhiễm vi sinh ở đây là rất cao”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết để sớm phát hiện các thay đổi về chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, trong năm 2019 này, Trung tâm Y tế dự phòng TP đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và giám sát môi trường. Trong đó, đơn vị này tập trung giám sát tất cả các nguồn nước sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt; cập nhật số liệu công trình phân nước rác trên địa bàn thành phố; hướng dẫn, vận động người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm dần số lượng nhà vệ sinh trên sông, đảm bảo 100% người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Dù nước giếng tại nhiều nơi không đạt chất lượng nhưng nhiều hộ dân vẫn sử dụng cho sinh hoạt, thậm chí ăn uống hằng ngày. Chị Lê Thị Huệ, ngụ P.Hiệp Thành, Q.12, cho biết gia đình chị vẫn sử dụng song song hai hệ thống nước máy và nước ngầm.

Thông thường, người dân sử dụng nước giếng lắng lọc lại bằng các thiết bị thông thường vì nghĩ có thể loại được những tạp chất hay vi khuẩn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Vy Uyên – phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các bình lọc nước có các lõi lọc sứ gần như không có tác dụng lọc vi khuẩn.

Chỉ những thiết bị lọc nước có chứa tia UV hay đun sôi mới có thể diệt  vi khuẩn tồn tại trong nước, nhưng cách này lại chưa thể lọc hết những tạp chất khác có trong nước mà amoni là một ví dụ.

Trong khi đó, nước có hàm lượng amoni cao kết hợp với oxy chuyển hóa thành nitrat, nitrit. Nếu sử dụng nước này trong một thời gian dài sẽ gây nguy cơ ung thư. “Chất nitrat, nitrit khi vào cơ thể tích tụ dần và kích hoạt các tế bào ung thư phát triển” – bác sĩ Uyên cảnh báo.

Ngoài ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng, các nghiên cứu khoa học gần đây cũng chỉ ra rằng việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân gây ra hiện tượng lún, sụt, gia tăng nguy cơ ngập nước.

Những hệ lụy khai thác nước ngầm quá mức đã được cảnh báo nhưng hiện nay việc kiểm soát tình trạng này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển phần mềm ứng dụng GIS trong công tác giám sát chất lượng nước và giám sát môi trường – là một cách tiếp cận mới – sự kết hợp giữa ứng dụng GIS trong ngành y tế và môi trường nhằm phục vụ quá trình quan trắc chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và môi trường.

Ngọc Linh (T/h)

   

Ngọc Linh (T/h)