Nghệ An: Bơm nước kênh ô nhiễm làm nước sạch bán cho dân
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:30, 12/06/2019
Dòng kênh chứa nước đục ngầu với đủ loại rác thải, chất thải bị UBND tỉnh Nghệ An cấm sử dụng làm nước sạch từ năm 2017. Tuy nhiên, Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn “lén lút” bơm nước từ dòng kênh này thay vì mua nước thô từ đơn vị khác.
Thời gian gần đây, người dân sinh sống 2 bên sông Đào (kênh Nam Đàn) không khỏi ngạc nhiên khi nước từ dòng sông ô nhiễm này được Công ty CP Cấp nước Nghệ An bơm, làm nước sạch bán cho dân. Chị Nguyễn Thị N. (trú xã Nam Giang, Nam Đàn) cho biết: “Sau một thời gian dừng hoạt động, nhiều tháng trở lại đây Trạm bơm nước Cầu Mượu bất ngờ hoạt động trở lại. Họ bơm nước suốt đêm từ dưới sông Đào lên để làm nước sạch”.
Đoạn sông đào đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Nam Đàn, là nơi đặt ống xả thải của nhiều nhà máy, xí nghiệp và các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Nước ở đây luôn có màu vàng đục, nổi váng, bốc mùi tanh hôi khó chịu. Mặt sông với vô số chất thải, rác thải do người dân vứt xuống.
Những rãnh nước thải đặc quánh đen ngòm từ các chuồng trại thải thẳng ra đoạn sông cách trạm bơm 200m
Riêng đoạn từ Riêng đoạn từ Trạm bơm Cầu Mượu đến cầu Bạch (xã Nam Giang) đã có tới 4- 5 nhà máy, xí nghiệp thải nước ra sông. Đó là chưa kể các ống nước thải từ các nhà hàng, hệ thống cống thoát nước khu dân cư, trang trại chăn nuôi thải trực tiếp ra đây. Không ai dám nghĩ đây lại là nguồn nước thô được Công ty CP Cấp nước Nghệ An bơm lên làm nước sạch cấp cho người dân TP Vinh và các vùng phụ cận.
Ông Phan Trọng Hải, Phó chủ tịch UBND xã Nam Giang cho biết: “Đúng là nước sông Đào hiện đã ô nhiễm không thể sử dụng làm nước sinh hoạt. Cách đây 2 năm, sau khi Công ty CP Cấp nước Sông Lam đi vào hoạt động, tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An phải ngừng lấy nước từ sông Đào và sử dụng nguồn nước thô từ sông Lam để sản xuất nước sạch. Từ đó đến năm 2019, chúng tôi không nghe bất cứ phản ánh gì. Hai tháng trở lại đây liên tục nhận được phản ánh về việc Công ty Cấp nước Nghệ An lấy nước sông Đào ô nhiễm làm nước sạch. Tuy nhiên, do không đủ thẩm quyền nên chúng tôi không thể kiểm tra, xử lý được”.
Trạm bơm Cầu Mượu là đơn vị được hợp đồng kiểm nghiệm mẫu nước thô của Công ty Cấp nước Nghệ An, cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát, phân tích chất lượng nước, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An thừa nhận: Trong các kỳ lấy mẫu thử nghiệm theo tháng và định kỳ 6 tháng, đã có lần đơn vị phát hiện chất lượng nước thô lấy từ sông Đào không đảm bảo theo quy chuẩn, có những thời điểm có chỉ số vượt ngưỡng.
Điều đáng nói, các công trình sinh hoạt của dân, nhà hàng, trang trại chăn nuôi … đã trực tiếp xả chất thải xuống Sông Đào khiến ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Mỹ Lâm (ở phường Cửa Nam, TP.Vinh, sử dụng nước sạch của Công ty nước Nghệ An) chia sẻ: “Tôi thường xuyên qua sông Đào này, nguồn nước ô nhiễm, nếu sử dụng nguồn nước này để uống, sinh hoạt thì sẽ sinh bệnh”.
Anh Nguyễn Duy Lợi – Bí thư Đảng ủy xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn cho biết: “Nước sông Đào hiện nay đang bị ô nhiễm nặng, chính quyền cũng đã nhiều lần quán triệt, tuyên truyền vận động, nhưng do tập tục và hạ tầng khu vực này không có hướng thoát thải khác nên bao nhiêu nhà vệ sinh, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của dân đều xả ra đó cả”.
Trước đó, vào các năm 2016, 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An không được lấy nước thô từ sông Đào làm nước sạch, cắt điện vận hành của các trạm bơm trước ngày 15/9/2017 để người dân tiêu thụ nước sạch trên địa bàn an tâm sử dụng.
Thế nhưng, bất chấp những chỉ đạo này, sau khi bị Điện lực Nam Đàn cắt điện, Công ty Cấp nước Nghệ An lại “âm thầm” chuyển sang dùng điện tại Điện lực Hưng Nguyên. Sau đó, thông qua Trạm bơm Cầu Mượu “lén lút” bơm nước sông Đào để sản xuất.
Về phía Sở TN&MT Nghệ An, sau khi nghe nội dung sự việc, ông Nguyễn Văn Chất, Trưởng phòng Nước, biển và hải đảo khẳng định: “Các công ty, nhà máy nước sạch khi hoạt động đều phải tuân theo quy định pháp luật. Việc lấy nước thô ở đâu, đặt trạm bơm ở vị trí nào đều phải tuân theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp này, tỉnh đã có văn bản mà đơn vị cố tình làm sai thì đơn vị phải chịu trách nhiệm”.
Còn về phía Sở Xây dựng, ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Phụ trách Sở cho biết: Sở đã chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra, nắm lại tình hình để báo cáo UBND tỉnh.
Nhằm tiết giảm tiền điện do bơm xa hơn 15km, giảm các chi phí liên quan khác đến giá nước, hai Công ty nước thô và nước sạch này nghi vấn đã “móc nối” với nhau, thống nhất giá nước để đánh tráo nguồn nước, lấy nước sông Đào thay thế nước từ sông Lam để sản xuất “nước sạch” bán cho nhân dân dù trong cam kết giá nước sạch tại TP. Vinh và vùng phụ cận với giá 1.950đ/m3 chứ không phải nước kênh đào 900đ/m3.
Ngọc Ánh (t/h)