Nhãn xanh Việt Nam – Xu thế mới trong phát triển kinh tế xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 27/08/2017

Nhãn xanh Việt Nam – Xu thế mới trong phát triển kinh tế xanh

(Moitruong.net.vn) – Việc mua sắm, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… ngày càng được người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp đề cao. Ở Việt Nam, việc dán Nhãn xanh Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện từ năm 2009 nhưng cho đến nay cộng đồng xã hội và nhất là các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các sản phẩm có dán Nhãn xanh Việt Nam.

Doanh nghiệp còn thờ ơ, người dân không quan tâm

Nhãn xanh Việt Nam là tên gọi của Chương trình Nhãn sinh thái (NST) tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phê duyệt theo Quyết định số 253/QĐ – BTNMT ngày 5/3/2009 nhằm tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích các mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường được Nhà nước đánh giá, chứng nhận.

Chương trình Nhãn xanh Việt Nam được ban hành để khuyến khích các sáng kiến về môi trường cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường. Đây cũng là phương pháp giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm. Từ đó so sánh lợi ích của sản phẩm được gắn NST với sản phẩm cạnh tranh cùng loại, góp phần tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nhãn xanh Việt Nam được gắn trên những sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng mà còn tuân thủ các yêu cầu môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và tái chế. Việc xác nhận sản phẩm đủ điều kiện gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động chứng nhận sự phù hợp của loại sản phẩm với các yêu cầu của Tiêu chí Nhãn xanh do Bộ TN&MT công bố.

Khi tham gia chương trình này, ngoài việc được miễn toàn bộ phí đăng ký, các doanh nghiệp còn được hưởng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, ưu tiên về mua sắm công xanh, hỗ trợ giá và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là từ khi triển khai chương trình đến nay mới chỉ có 50 sản phẩm của 4 công ty được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Sở dĩ việc dán Nhãn xanh ra đời đã lâu nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp là do việc thực hiện vẫn còn “nửa vời”. Chúng ta phát động phong trào, đưa ra chính sách nhưng chưa có tổng kết, chưa có điều tra thực tiễn xem xét chính sách có thực sự khuyến khích doanh nghiệp hay chưa và cần thay đổi gì để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp.”

Ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều khó khăn về tài chính, nguồn lực cũng như công nghệ nên kinh phí dành cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp. Trong khi đó, để được dán Nhãn xanh cho sản phẩm, doanh nghiệp phải đầu tư thêm 20% tổng chi phí sản phẩm dành cho hàng hóa nên chưa mặn mà.

Doanh nghiệp đã vậy, còn người tiêu dùng, khái niệm về Nhãn xanhViệt Nam đối với nhiều người còn rất mơ hồ, thậm chí có những người lần đầu nghe thấy nên mọi người vẫn chưa thực sự quan tâm.

So với các nước trong khu vực, yêu cầu về sản phẩm xanh (sản phẩm thân thiện với môi trường) trên thị trường Việt Nam cũng như nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Các sản phẩm dán nhãn môi trường cũng như cách nhận biết còn chưa rõ và phổ biến đối với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa chú trọng đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp, để sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về dán nhãn. Mặt khác, hiện nay các tiêu chí về sản phẩm xanh còn rất hạn chế về mặt số lượng, mới chỉ có đối với một số chủng loại mặt hàng nhất định. Nên khi cơ quan quản lý tiến hành dán NST, cần cung cấp cho người dân hiểu rõ nếu mua sản phẩm dán Nhãn xanh Việt Nam thì họ được lợi ích gì. Ngoài việc khi mua những sản phẩm có dán nhãn sẽ tốt hơn cho môi trường, đồng thời có thể bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình sử dụng.

Nhãn sinh thái không chỉ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi đối với việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cái lợi lớn nhất của người tiêu dùng là sức khoẻ được bảo đảm, nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến các sản phẩm mà họ tiêu dùng được loại bỏ do những sản phẩm thân thiện với môi trường có tiêu chí khắt khe để loại trừ tối đa những tác động có hại đến sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng đã gián tiếp thực hiện được hành vi bảo vệ môi trường. Bởi thông qua thói quen tiêu dùng tốt này, người tiêu dùng đưa ra định hướng về kế hoạch sản xuất và chất lượng sản phẩm, các yếu tố về môi trường cho nhà sản xuất, góp phần tác động đến ý thức của nhà sản xuất trong công tác bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang dự thảo tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam cho máy photocopy và bóng đèn led chiếu sáng thông dụng. Cả 2 sản phẩm đèn led và máy photocopy đều không sử dụng các chất Chì (Pb), Cadmium (Cd), Thuỷ ngân (Hg) và các hợp chất của chúng, cũng như các hợp chất có Crôm giá trị 6 (Cr6+) trong sản phẩm. Không sử dụng các loại nhựa có chứa Halogen (như PVC) làm vật liệu đóng gói sản phẩm.

nhan xanh 2Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang được chứng nhận Nhãn xanh sinh thái

Cần có chính sách cụ thể, rõ ràng

Theo bà Nguyễn Thu Hà, phó Vụ trưởng Vụ chính sách và Pháp chế – Văn phòng Nhãn xanh Việt Nam thuộc Tổng cục Môi trường: “ Trong quá trình triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam, vấn đề đầu tiên gặp phải là do chúng tôi chưa có một nguồn kinh phí ổn định để duy trì, phát triển bởi chúng tôi chưa thu bất cứ một kinh phí nào nên gây khó khăn cho việc duy trì chương trình”.

Do đó, thời gian tới cần có nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động truyền thông cũng như xây dựng tiêu chí các nhóm sản phẩm dán nhãn xanh. Đặc biệt, cần cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn.

Mặt khác, trong xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế, mà sẽ phải cạnh tranh trên chính thị trường trong nước nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về luật định và yêu cầu của thị trường về sản phẩm xanh. Do đó, Việt Nam cần có các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hội nhập và nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm. Đồng thời các chính sách và quy định của nhà nước rõ ràng và cụ thể hơn, nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm xanh có chỗ đứng và phát triển.

Luật Bảo vệ môi trường, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ – TTg đã nêu rõ: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh là thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Trong đó những nhiệm vụ cần triển khai bao gồm ban hành quy chế chi tiêu công xanh, chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dán NST, hàng hóa có khả năng tái chế; thúc đẩy dán NST và phổ biến các thông tin sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 áp dụng mua sắm xanh.

Tuy nhiên, nhận thức về mua sắm công xanh của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Và đến nay, cũng chưa có chính sách và quy định cụ thể nào về thúc đẩy mua sắm tài sản công phải có nhãn xanh.

Để chương trình Nhãn xanh Việt Nam phát triển, phải xây dựng tiêu chí cho các sản phẩm ưu tiên trên thị trường cũng như nâng cao nhận thức của người dân; Thúc đẩy việc gia nhập Hệ thống hợp tác quốc tế về nhãn sinh thái GENICES của Mạng lưới NST toàn cầu, để việc công nhận lẫn nhau giữa Nhãn xanh Việt Nam và chương trình NST của các nước khác. Ngoài ra, cũng cần phải phát triển chính sách về mua sắm công xanh cũng như lồng ghép quy định về NST trong mua sắm công.

Thu Trang

Thu Trang