Sản xuất và kinh doanh dược, mỹ phẩm giả ẩn chứa nhiều thủ đoạn tinh vi

Kinh tế - Ngày đăng : 03:57, 04/09/2017

(Moitruong.net.vn) – Các vụ vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ngày càng tăng và các đối tượng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Sản xuất và kinh doanh dược, mỹ phẩm giả ẩn chứa nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong hai năm (từ 15/7/2015 đến 15/4/2017), cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ; phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Nhiều vi phạm trong lĩnh vực dược – mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Trong thời gian từ 15-7-2015 đến 15-4-2017, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ, phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thu nộp ngân sách nhà nước 75,530 tỷ đồng. Đồng thời, khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.

Trong việc phát hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, thực phẩm chức năng, nhiều vụ có quy mô, trị giá hàng hóa vi phạm lớn. Trong hai năm, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 259 vụ vi phạm/159 đối tượng liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép, nhập khẩu hàng hóa là tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 47,942 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 7,77 tỷ đồng; khởi tố ba vụ/ba đối tượng.

Nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, trong đó có một số đơn vị, địa phương có kết quả nổi bật. Cụ thể như BCĐ 389 Bộ Y tế đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 559 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 30,985 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo đã xử lý 263 cơ sở vi phạm với 294 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 9,21 tỷ đồng; thu hồi 89 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, dừng lưu thông 191 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm. Cục Quản lý Dược đã xử phạt vi phạm hành chính 194 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, tổng số tiền phạt 13,025 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 1.622 vụ, xử lý 1.626 vụ (trong đó xử lý bốn vụ tồn), phạt hành chính 16,437 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm 39,557 tỷ đồng; khởi tố hai vụ và ba đối tượng. Ban Chỉ đạo 389 TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 1.271 vụ; với 1.118 đối tượng; thu nộp ngân sách đạt 14412 tỷ đồng; khởi tố 10 vụ với 16 bị can.

Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi như không sản xuất tập trung với số lượng lớn hoặc thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, sau đó thành lập nhiều công ty vệ tinh tự sản xuất giả (giả chất lượng) các sản phẩm của mình và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, qua công tác kiểm tra cho thấy sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng,… Đáng chú ý, qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như: chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong thực phẩm chức năng.

Trong lĩnh vực dược phẩm, tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hoá đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn còn tồn tại.

Chồng chéo và sơ sở, nhiều đối tượng “lách luật”

Theo ông Đàm Thanh Thế – Chánh Văn phòng BCĐ 389, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung còn chồng chéo, sơ hở. Do đó, đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp và gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, thiếu các quy định về cấp phép quảng cáo để xử lý đối với thông tin quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, tác dụng; quy định về kê khai giá; công bố chất lượng không ghi thành phần chính, chất chủ yếu, không ghi định tính, định lượng,… nên các đối tượng lợi dụng để né tránh hành vi vi phạm hàng giả về chất lượng.

Việc chưa có quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội (facebook, Zalo, Instagram,…) nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cá nhân, cơ sở kinh doanh online là rất khó khăn, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ về mạng xã hội và thông tin như hiện nay.

Trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, ông Đàm Thanh Thế cho biết, hệ thống thông tin của Cục Quản lý dược chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô,…

Công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, có khi mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau, đã cản trở quá trình xử lý vi phạm. Các đối tượng sản xuất hàng giả tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phần lớn là dân các tỉnh nhập cư; không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên việc xác minh lai lịch để lập hồ sơ nghiệp vụ giám sát, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công từ các khu đô thị mới, nơi hẻo lánh, khu trọ, vùng ven thành phố hoặc vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tổ chức sản xuất nên việc quản lý, thẩm tra để kiểm tra, kiểm soát là rất khó khăn.

Thêm nữa, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt, trong khi nhiều hãng sản xuất không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chưa thực sự quan tâm tới công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng chống hàng giả thiếu thông tin về sản phẩm, do đó hiệu quả công tác đấu tranh hàng giả là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm thời gian qua chưa cao.

Vì thế, theo BCĐ 389 quốc gia, để tăng cường đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, cần phải có sự vào cuộc sát sao, quyết liệt thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Bộ Y tế cần chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, công bố tiêu chuẩn chất lượng,…; ban hành quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời, thông tin công khai về việc cấp phép của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin để lực lượng chức năng có thể tra cứu, khai thác trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Theo NDĐT

Theo NDĐT