Đi tìm giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Kinh tế - Ngày đăng : 02:33, 03/09/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 2/9, Hội thảo giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.
Toàn cảnh Hội thảo giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Hội thảo giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia OCOP lần này là lần đầu tiên Bộ NN&PTNT phối hợp với Quảng Ninh tổ chức, lồng ghép hội chợ ở quy mô toàn quốc.
Hội thảo nhằm đánh giá lại công tác xây dựng Đề án Chương trình quốc gia OCOP, đồng thời trao đổi các giải pháp xúc tiến thương mại, các vướng mắc về cơ chế, phương pháp triển khai tại các địa phương. Hội thảo là bước “tập dượt” ban đầu để Trung ương và các địa phương nghiên cứu, học tập trong xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia OCOP.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia OCOP ,như: Kinh nghiệm của Quảng Ninh trong xúc tiến thương mại chương trình OCOP, phát triển chuỗi siêu thị thực phẩm an toàn UCA…
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT biểu dương tinh thần tích cực của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc tham gia hội thảo. Đồng chí cũng khẳng định Chương trình quốc gia OCOP là chương trình quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Do đó, Hội thảo giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia OCOP được tổ chức lồng ghép với Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V năm 2017 là cơ hội các đơn vị học tập kinh nghiệm của Quảng Ninh trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại nông sản nói riêng và chương trình OCOP nói chung.
Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP quốc gia, đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các địa phương tập trung nguồn lực, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chương trình phù hợp với thực tiễn địa phương, tiếp tục tham gia đóng góp các ý kiến để Bộ hoàn thành đề án.
Đồng chí cũng đề nghị các địa phương xác định vai trò then chốt của xúc tiến thương mại trong chuỗi chu trình sản phẩm OCOP nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Từ đó, thúc đẩy hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của địa phương mình. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cụ thể.
Thu Minh (T/h)