Huyện Châu Thành (Trà Vinh): Làng nghề đan đát đang khởi sắc

Kinh tế - Ngày đăng : 17:44, 25/09/2017

Phát triển làng nghề gắn với giải quyết việc làm

(Moitruong.net.vn) – Đan đát là một nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của xã Hưng Mỹ. Việc phát triển làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động ở nông thôn.

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh được công nhận theo Quyết định số 1814 ngày 29/11/2007 của Ủy ban Nhân dân TP.Trà Vinh. Để tham gia vào sản xuất, đầu tiên, những người thợ được tham gia lớp huấn luyện, đào tạo nghề do chủ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tổ chức, sau đó chỉ việc lãnh dây về nhà đan. Chất liệu của sản phẩm có thể là nhựa, lát, lục bình… mẫu mã sản phẩm do những doanh nghiệp quy định.

Phụ nữ tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tham gia đan đát tại nhà

Phụ nữ tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tham gia đan đát tại nhà

Là người có kinh nghiệm trong nghề hơn 5 năm, chị Phạm Thị Bích Nga (ấp Ngãi Hiệp, xã Hưng Mỹ) cho biết mức thu nhập bình quân hằng tháng từ việc đan đát giỏ dao động từ 1,5-2 triệu đồng. Từ ngày nhận giỏ về nhà làm, kinh tế gia đình chị cải thiện rõ rệt, cuộc sống cũng khấm khá, sung túc hơn. Vì đặc điểm công việc không qui định về mặt thời gian, “rảnh lúc nào làm lúc đó” nên rất thích hợp với những người nội trợ như chị. Được biết, chị tìm đến công việc này một cách ngẫu nhiên, lâu dần cảm thấy phù hợp rồi yêu thích nên đã gắn bó với nó trong suốt 5 năm qua. Hàng xóm của chị Nga là chị Mỹ Tiên, một cô gái trẻ cũng chọn nghề thủ công đan đát làm công việc phụ lúc nhàn rỗi. Với tính chất công việc ở nhà thường xuyên (buôn bán tạp hóa) nên nghề thủ công này khá thích hợp với chị. Chị Tiên chia sẻ, “công việc này nhàn lắm, vừa làm vừa xem truyền hình cũng được, chứ giờ ngồi không hoài chán lắm, mình làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít mà”.

Không những là công việc làm thêm của một số chị em phụ nữ ở nông thôn, nghề thủ công đan đát còn đem đến nguồn thu nhập chính cho một số cô bác trong vùng. Cô Nguyễn Thị Tẻng (67 tuổi, Rạch Vồn, Hưng Mỹ) tâm sự: “ cô ở nhà đây rồi cô làm vậy á, chứ giờ mình già rồi ra ngoài cuốc cỏ đâu có nổi nữa”. Giống như chị Nga, cô Tẻng cũng là một trong những người thợ lành nghề và giàu kinh nghiệm. Theo cô, mỗi lần mẫu mới về, cô không cần phải học lại cách đan mà chỉ cần nhìn sơ là biết, nhìn chung công việc này không đòi hỏi yêu cầu quá cao nhưng người thợ cần phải cẩn trọng và tỉ mỉ.

Đồng hành và cải tiến

Mặc dù làng nghề thủ công đan lát ở Hưng Mỹ đã đáp ứng được nhu cầu việc làm của không ít lao động địa phương, đem về lợi nhuận cho xã nhà. Nhưng thực tế cho thấy, việc phát triển làng nghề đan đát ở Hưng Mỹ vẫn đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Hiện tại, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động với quy mô khá nhỏ, sản phẩm chưa mang thương hiệu riêng và sức cạnh tranh trên thị trường không cao. Quá trình đô thị hóa và chuyển dịch lao động nông thôn cũng phần nào thúc đẩy những lao động có tay nghề cao tìm về các doanh nghiệp, khu công nghiệp lớn.

nghề đan đát tại Hưng Mỹ giúp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương

Nghề đan đát tại Hưng Mỹ giúp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương

Để giải quyết những khó khăn trên, cuối năm 2014, Chi cục Phát triển Nông thôn (PTNT) đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh nhằm hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trên. Cụ thể như: hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cho làng nghề, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm, theo dõi, đồng thời đưa ra những chính sách giúp đỡ, giải pháp cải tạo làng nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Theo lời ông Trần Phú Quý (Văn phòng Thống kê – Ủy ban Nhân dân xã Hưng Mỹ), toàn xã có hơn 2.300 hộ dân, với trên 11.000 nhân khẩu, số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ 55%, số hộ thatham gia vào sản xuất mặc hàng tiểu thủ công nghiệp là 138 hộ. Bên cạnh đó, xã còn tiến hành vận động mở thêm hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người dân.

Được thành lập vào năm 2004, hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Văn Chất là một trong những địa chỉ đáng tin cậy của bà con trong vùng. Với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài, nhằm khẳng định vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế, Văn Chất đã và đang chung tay góp sức nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề ở xã Hưng Mỹ. Anh Trần Nguyên Bính (Thành viên ban quản lí doanh nghiệp DNTN Văn Chất) cho biết, trong tương lai gần sẽ mở rộng thị trường đến các vùng lân cận, tìm thêm nhiều đầu ra. Đồng thời, tiến hành đầu tư thêm cơ sở vật chất, phương tiện di chuyển để có thể hỗ trợ cho thợ đan một cách tốt nhất. Anh Bính tâm sự: “Tôi thấy rất vui và hài lòng với công việc hiện tại vì đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, tạo thêm thu nhập ổn định cho bà con cũng như gia đình mình”.

Trúc Đào