Sáng 29/9 tổ chức Lễ hợp long cầu Vàm Cống

Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 29/09/2017

(Moitruong.net.vn) –Sáng nay, 29/9 Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (TCty Cửu Long) đã phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hợp long cầu Vàm Cống (Sẽ chính thức thông xe vào cuối tháng 12/2017), vị trí hợp long là nhịp chính của cầu.

>> Hợp long cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu

Sáng 29/9 tổ chức Lễ hợp long cầu Vàm Cống (ảnh báo Giao thông)

Cầu Vàm Cống được khởi công xây dựng ngày 10/9/2013, bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (Cần Thơ). Dự án có tổng chiều dài gồm cả đường dẫn là 5,75 km; trong đó, riêng phần cầu thiết kế dạng dây văng dài 2,97 km, phần bắc qua sông dài 870m, chiều rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách… được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ.

Trên báo Giao thông đưa, Ông Ju Jin Sang – Giám đốc dự án của phía nhà thầu thi công cho biết: Mặc dù thi công trong điều kiện khó khăn, tuy nhiên cầu đã được hoàn thành với các tiêu chí về an toàn và chất lượng.

Cầu Vàm Cống là cây cầu lớn nhất của dự án Kết nối Khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vỏ, Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống khoảng 1,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu.

Theo Chủ đầu tư, đến nay công trình xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành 95% khối lượng công việc. Đến ngày 31/11 sẽ hoàn thành phần xây dựng và ngày 31/12 sẽ hoàn thành luôn đường dẫn 2 bên cầu và sẽ chính thức thông xe.

Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có tổng vốn đầu tư hơn 270 triệu USD (tương đương 5.687 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Việc cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được thông xe vào cuối năm nay sẽ kết nối tuyến giao thông đường bộ huyết mạch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nối TP.Hồ Chí Minh đến Kiên Giang.

Với việc thông cầu và chính thức đi vào hoạt động sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi đó, việc di chuyển từ TP HCM theo tuyến đường N2 về An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang sẽ thuận lợi hơn cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao và giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, đồng thời kết nối giao thông thông suốt tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực. Đặc biệt, khi dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Hồng Nhung (th)

Hồng Nhung (th)