Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:00, 04/07/2019
Theo Tổ chức Nghiên cứu NITI Aayog thuộc chính phủ Ấn Độ, 21 thành phố lớn ở quốc gia này sẽ hết sạch nước ngầm trong năm 2021, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người dân trên khắp đất nước. Tổ chức này cảnh báo Ấn Độ sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề như mất an ninh lương thực, bệnh tật, tỷ lệ tử vong gia tăng, thậm chí xung đột vì thiếu nước, theo tờ The Times of India.
Những cơn mưa chỉ xuất hiện rải rác tại một số khu vực giữa lúc đợt nắng nóng khiến ít nhất 137 người chết trong mùa hè năm nay. Nhiều công ty khuyến khích nhân viên ở nhà làm việc để tiết kiệm nước. Mạch nước ngầm vốn chiếm đến 40% lượng nước để sử dụng ở Ấn Độ nhưng đang dần cạn kiệt, theo tờ Asia Times. Bên cạnh đó, những nguồn nước khác cũng đang giảm sút nhanh chóng, cụ thể gần 2/3 hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo cạn dưới mức bình thường, theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Ấn Độ về nước hồi tháng 6.
Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng. Ảnh AP
Một số khu vực ở Ấn Độ đang hứng chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Chẳng hạn, 4 hồ trữ nước cho TP.Chennai sắp cạn kiệt. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn người dân rồng rắn xếp hàng dài trước các xe bồn để lấy nước sạch do chính quyền cung cấp. Các nơi quan trọng như bệnh viện, trường học cũng đang chật vật hoạt động vì thiếu nước. Nhiều người buộc phải tái sử dụng nước dơ bẩn để rửa vật dụng nhằm tiết kiệm nước cho nấu ăn. Nước máy cũng dần cạn ở các thành phố khác như Bangalore và Hyderabad, dẫn đến sự xuất hiện những băng nhóm tội phạm “xe bồn chở nước”, thao túng giá bán nước sạch, theo Reuters.
Thực tế, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt không phải gần đây mới trở thành vấn đề nhức nhối của Ấn Độ. Năm 2018, tại thành phố Shimla thuộc bang Himachal Pradesh, người dân rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt nước sử dụng, gây ra cảnh tượng tranh giành nước và “mafia nước sạch” lộng hành. Dân làng phải đi bộ cả chục km để tìm nước hoặc trả cái giá “cắt cổ” để mua nước. Giao thông đường thủy tại Ấn Độ cũng phải chịu thảm họa ô nhiễm, khi hàng tỷ lít nước thải, bao gồm hóa chất và nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường mỗi ngày.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây ra quyết định thành lập Bộ Jal Shakti chịu trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên nước. Ông Modi đồng thời tiếp tục cam kết trong chiến dịch tái tranh cử vừa qua là đến năm 2024 sẽ có đường ống dẫn nước máy đến từng hộ dân tại mọi vùng nông thôn, chấm dứt tình trạng tự ý sử dụng nước ngầm quá mức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kế hoạch này sẽ gặp nhiều thách thức. Một trong số đó là dân số cùng với tốc độ đô thị hóa gia tăng quá mức ở Ấn Độ.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính Ấn Độ với dân số hơn 1,3 tỉ người sắp vượt qua Trung Quốc (1,4 tỉ người), sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong vòng chưa đầy một thập niên tới. Đến năm 2050, Ấn Độ sẽ có thêm 416 triệu người sống ở thành thị. Tốc độ đô thị hóa không đồng bộ nên nhiều thành phố không có đủ cơ sở hạ tầng phù hợp. LHQ dự đoán nhu cầu sử dụng nước ở Ấn Độ sẽ cao hơn gấp 2 lần so với nguồn cung vào năm 2030, đe dọa đời sống của hàng trăm triệu người.
Báo cáo LHQ mới đây cảnh báo: “Thế giới đang tiến đến gần chế độ phân biệt khí hậu, tức chỉ người giàu mới có đủ khả năng trang trải những tài nguyên cần thiết khi đối mặt hạn hán, nắng nóng và thiếu lương thực. Người nghèo sẽ chịu đựng hậu quả nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu”. Chẳng hạn, mỗi hộ chung cư ở TP.Chennai phải chi gần 15.000 rupee (5 triệu đồng) cho 3 thùng nước, tổng cộng khoảng 24.000 lít, trong khi nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo tiếp tục khai thác mạch nước ngầm đang dần cạn kiệt. Các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ chỉ còn 5 năm để thay đổi và phải nhanh chóng hành động để hạn chế tối đa hậu quả từ cuộc khủng hoảng thiếu nước.
Hà Anh (T/h)