Huy động sự tham gia của khối tư nhân góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 10:09, 10/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 10/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức Phát triển bền vững”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã tham dự Diễn đàn và trình bày về kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam; đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.
Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, các tác động của biến đổi khí hậu gây ra nhiều thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi. Tại nước ta, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, các đợt lũ ống, lũ quét, mưa bão tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và cơn bão số 10 gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
“Các tác động của biến đổi khí hậu là hiện hữu. Diễn biến của biến đổi khí hậu đang vượt xa so với các dự báo trên phạm vi toàn cầu, quốc gia và khu vực. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực của toàn cầu và hành động quyết liệt của mỗi quốc gia, trong đó việc huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là khối tư nhân có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Thứ trưởng cũng cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2015, tại COP 21, các quốc gia trên thế giới đã đồng thuận Thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu: “giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng so với thời kỳ tiền công nghiệp ở mức thấp hơn đáng kể so với 2 độ C và nỗ lực để giới hạn mức tăng nhiệt độ đến 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn
Thoả thuận đề ra cách tiếp cận và quy định về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (viết tắt là NDC). Theo đó, các quốc gia, không kể trình độ phát triển, đều phải đưa ra các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu để góp phần đạt được mục tiêu của Thoả thuận. NDC được xem là cốt lõi của Thỏa thuận Paris và là công cụ chính để triển khai Thoả thuận Paris tại mỗi quốc gia. Thực hiện NDC sẽ đưa các quốc gia phát triển theo hướng phát thải các bon thấp, chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ở cấp độ quốc gia, nhận thức được tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến quá trình phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống chính sách, thể chế không ngừng được hoàn thiện; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… đã đề ra những định hướng chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tiếp theo.
Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã xây dựng, đệ trình và được phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định với cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực trong nước; và sẽ lên thành 25% khi nhận được các hỗ trợ quốc tế.
Để triển khai toàn diện Thoả thuận Paris và trọng tâm là NDC của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Kế hoạch được xây dựng trên quan điểm: Thứ nhất, tuân theo các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; kế thừa các kết quả đã đạt được và tiếp tục các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu mới và tận dụng cơ hội do Thoả thuận Paris mang lại. Thứ hai, thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh là quan trọng với nguồn lực chủ yếu từ doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội với vai trò xúc tác của nguồn lực nhà nước.
Các đại biểu tham dự diễn đàn
Kế hoạch được xây dựng gồm 05 trụ cột chính, được chia thành 02 giai đoạn, từ 2016 – 2020 và từ 2021 – 2030. Theo đó, đề ra các nhiệm vụ bắt buộc thực hiện theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris; ưu tiên tiếp tục thực hiện theo các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ; khuyến khích thực hiện để tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại.
Khối tư nhân đóng vai trò quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Để triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cam kết NDC tại Việt Nam, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, sự tham gia tích cực của khối tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng vì các lý do:
Thứ nhất, khối tư nhân ở đây vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai nội dung kế hoạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Thứ hai, với các giải pháp, lĩnh vực ưu tiên xác định trong thực hiện Kế hoạch Paris và cam kết NDC tại Việt Nam, nhiều cơ hội cũng được tạo ra cho khối tư nhân, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Kamal Malhotr, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc (UN) tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
“Những lĩnh vực đầy hứa hẹn gồm năng lượng tái tạo; đô thị thông minh, thân thiện hệ sinh thái; giao thông thông minh; công trình và giải pháp thích ứng hoặc tăng khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu… Đây đều là lĩnh vực khối tư nhân có thế mạnh để tham gia đầu tư, phát triển, mở rộng thị trường, tạo nhiều cơ hội kinh doanh mới. Sự tham gia, nắm bắt cơ hội phát triển của khối tư nhân ở góc độ này chắc chắn sẽ góp phần thực hiện Kế hoạch Paris và triển khai cam kết NDC tại Việt Nam hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, các Bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch Paris; đồng thời, thúc đẩy triển khai Chiến lược biến đổi khí hậu, Tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng.
Để tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, khối tư nhân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thông qua các cơ chế chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mẫu hình sản xuất; tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ, hướng đến phát thải các-bon thấp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo sức cạnh tranh, hội nhập. Trong thời gian từ nay tới năm 2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2030, cần chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo hệ thống chính sách và pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất quán; tăng cường sự tham gia của các Bên, trong đó chú trọng thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; đặt khối tư nhân xứng tầm với vai trò, thế mạnh để đề ra các giải pháp phù hợp; đồng thời, xác định các ưu tiên trong thích ứng và giảm nhẹ vừa là giải pháp, vừa tạo ra cơ hội, hình thành động lực thu hút sự tham gia của khối tư nhân trong các lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong NDC và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp
Hai là, có chính sách, giải pháp phù hợp khuyến khích sự tham gia từ khu vực tư nhân trong nghiên cứu, áp dụng và đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế ít phát thải các bon, thân thiện với môi trường; hạn chế các dự án sử dụng năng lượng hoá thạch, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực năng lượng.
Ba là, thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc rà soát, cập nhật NDC, xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu các cấp; kịp thời phản ánh thực tế khối tư nhân, đề ra các giải pháp có tính khả thi, thúc đẩy thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tăng cường giám sát, thực hiện, phát hiện kịp thời các vướng mắc để cập nhật, điều chỉnh linh hoạt chính sách thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong triển khai thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và NDC tại Việt Nam.
“Việc triển khai Thoả thuận Paris, cam kết NDC là bắt buộc từ năm 2021 nhưng đồng thời việc triển khai cũng tạo ra nhiều lĩnh vực, cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển theo hướng phát thải ít các-bon, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn khối tư nhân sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Thoả thuận Paris cũng như những đóng góp do Việt Nam tự quyết định.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Toàn cảnh Diễn đàn
Tiếp nối những nội dung chia sẻ của lãnh đạo các Bộ, ngành, VCCI và doanh nghiệp tiêu biểu, trong phiên tọa đàm với chủ đề “Các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững”, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững.
Diễn đàn buổi chiều sẽ tiếp tục với 4 hội thảo chuyên đề song song tập trung vào 4 chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vận dụng vào thực tiễn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tại đây, diễn giả đều là chuyên gia đầu ngành đến từ các tổ chức, doanh nghiệp lớn với nhiều kinh nghiệm. Các chủ đề được đề cập gồm: Xây dựng nguồn lực con người trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; Nền kinh tế tuần hoàn: Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng hiệu quả; Minh bạch và liêm chính trong kinh doanh: Hướng tới tính bền vững: Đưa giá trị liêm chính, tuân thủ vào chiến lược hoạt động kinh doanh để thu hút đầu tư; Lập báo cáo bền vững & Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững: Thảo luận về GRI Standard.
Với mục tiêu thảo luận về việc làm thế nào để tạo lập môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển của các giải pháp kinh doanh sáng tạo – không những đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo Monre