Nghệ An: Bệnh lùn sọc đen làm mất trắng trên 1.400 ha lúa mùa
Kinh tế - Ngày đăng : 08:20, 23/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Với tình trạng diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh đã gây hại trên diện rộng ở Quế Phong, tỉnh Nghệ An khiến hơn 1.424 ha lúa có nguy cơ mất trắng và hơn 480 ha thiệt hại từ 30 – 70%.
>>>
Nguyên nhân bị mất mùa theo đánh giá của Trạm Bảo vệ thực vật huyện là do bệnh lùn sọc đen hại lúa. Đây là loại bệnh vi rút trên cây lúa và ngô, hiện vẫn chưa có thuốc phòng trị và lây lan rất nhanh, khó kiểm soát.
Kiểm tra triệu chứng gây hại của bệnh lùn sọc đen trên lúa. Theo các kỹ sư nông nghiệp, khi bị bệnh vi rút này mới xuất hiện trên lá mạ, cây lúa vẫn phát triển nhưng càng dần bị lùn lại và lụi cây chuyển thành màu nâu và đen, kể cả khi lúa trổ bông nhưng hạt bị lép.
Sau khi phát hiện bệnh dịch, huyện báo cáo xin ý kiến của Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp &PTNT và hướng dẫn bà con có một số biện pháp xử lý nhưng một phần do thời tiết mưa thường xuyên nên các biện pháp phun trừ không hiệu quả.
Hiện nay một hộ nông dân bản Chổi, xã Châu Kim đang tranh thủ gặt lúa bị hư hại về chăn nuôi, đồng thời cũng xử lý đồng ruộng để chuẩn bị trồng vụ Xuân.
Ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: gần như tất cả các loại giống lúa trồng tại 13 xã đều bị, trong đó các giống mới như lúa lai, thiên ưu nhạy cảm với điều kiện thời tiết là bị nặng nhất.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra mức độ thiệt hại trên cánh đồng trọng điểm lúa xã Châu Kim, Quế Phong. Theo UBND huyện, đây là thiệt hại nặng nề nhất, bệnh xảy ra từ năm 2009 nay xuất hiện trở lại và lây lan rất nhanh.
Được biết ngày 6/8 vừa qua, UBND huyện Quế Phong đã cho chủ trương hỗ trợ 50% giá thuốc trừ sâu bệnh để người dân phun trừ. Tuy nhiên, việc phun thuốc chỉ có tác dụng ngăn ngừa sự phát tán, lây lan, còn diện tích lúa đã mắc bệnh thì không thể phục hồi do lùn sọc đen chưa có thuốc đặc trị.
Hiện tại, cùng với hướng dẫn, đôn đốc các xã xử lý, khắc phục thiệt hại để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông – Xuân, huyện đang xây dựng kế hoạch chuyển đối diện tích lúa nước bị lùn sọc đen sang trồng cây vụ đông 2017. Theo đó, cùng với chỉ đạo bà con tuyệt đối không trồng ngô, huyện trích ngân sách hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha đối với diện tích lúa bị thiệt hại từ 30-70% và hỗ trợ 2 triệu đồng/ha nếu bị mất trắng 100% diện tích.
Trước đó, trên địa bàn huyện Tương Dương, trên các trà lúa ở các xã như Mai Sơn, Tam Đình, Tam Quang… cũng có biểu hiện bị lùn lụi và cháy đỏ. Ông Vi Võ Tuấn, trưởng bản Quang Thịnh cho biết: Cả bản có 199 hộ dân trồng lúa, với diện tích 27,5 ha, nhưng hiện nay đều bị ảnh hưởng, nhiều diện tích sâu bệnh từ 70% trở lên và có khả năng sẽ mất trắng.
Cũng theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu, đến ngày 5/9 trên địa bàn huyện đã xuất hiện 58,8 ha lúa bị bệnh lùn sọc đen, trong đó có 46,8 ha bị nhẹ, 8 ha bị trung bình và 4 ha lúa bị mức độ nặng.
Ngoài ra, bệnh lùn sọc đen cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lúa mùa nhiều địa phương, tại tỉnh Bắc Kạn, huyện Bạch Thông có 162ha lúa bị ảnh hưởng do bệnh lùn sọc đen thì mức độ thiệt hại dưới 30% chiếm 24,7ha, thiệt hại từ 30 – 70% là 91,4ha, thiệt hại trên 70% là 45,8ha. Huyện Na Rì, bệnh lùn sọc đen cũng gây thiệt hại cho 225,753 ha/1.675 hộ. Trong đó, diện tích thiệt hại dưới 30% là 18,784 ha; diện tích thiệt hại từ 30 – 70% là 122,548 ha và diện tích thiệt hại trên 70% là 84,421 ha.
An Nhiên (th)