Nước sông Đakrông ô nhiễm, hàng nghìn người ở hạ lưu kêu cứu

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:30, 18/06/2019

Moitruong.net.vn – Khoảng 2 năm trở lại, nước sông Đakrông (tỉnh Quảng Trị) bị ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản ở đầu nguồn nước. Người dân kêu cứu.

Cùng với đó, xã phản ánh, huyện kiến nghị, tỉnh Quảng Trị làm văn bản đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm giải quyết, nhưng sông Đakrông vẫn tiếp tục bị đầu độc.

Nhà chị Hồ Thị Hóa (SN 1971) ở thôn Cu Tài 1 của xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cách suối Li Leng chỉ hơn chục bước chân. Con suối này chảy từ xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), qua thôn Cu Tài 1 rồi đến các thôn khác trước khi hòa vào dòng sông Đakrông. Khoảng 2 năm trở lại đây, khe Bung chảy từ những đỉnh đồi của xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) mang dòng nước đỏ quánh hòa vào suối Li Leng, khiến nguồn nước bị nhuộm đỏ, không sử dụng được.

Nước từ khe Bung đỏ đặc, chảy đến đâu, những phiến đá đều nhuộm một lớp đất bùn trơn nhầy nhụa. Suối Li Leng nước trong xanh, nhưng khi gặp dòng nước của suối Bung hòa vào, thì lập tức đổi màu. “Có khi cả tuần nước đỏ quạnh, có khi vài ba ngày nước trong rồi đổi màu lại” – chị Hóa kể.

Đi về phía hạ nguồn theo dòng nước bị ô nhiễm, đến đâu chúng tôi cũng nghe được những lời than thở, bức xúc của người dân. Ông Hồ Văn Xeng (SN 1930) và vợ là bà Phạm Thị Thời (SN 1946) ở thôn Cu Tài 2 (xã A Bung) rớt nước mắt khi nói về việc suối Li Leng bị đầu độc. “Chúng tôi ở đây 30 năm, uống và tắm nước suối này vẫn sống khỏe mạnh; nhưng giờ thì khốn khổ lắm, vì nước lúc nào cũng đỏ lòm. Phải mua thùng chứa, rồi hứng nước mưa uống. Hết nước mưa thì phải cắn răng mà uống nước suối bị ô nhiễm, vì không còn cách nào khác” – ông Xeng nói.

Dòng nước bị ô nhiễm không chỉ dừng lại ở con suối Li Leng đoạn qua nhà chị Hóa và ông Xeng, mà cứ xuôi dòng, rồi hòa vào sông Đakrông và nhuộm đỏ luôn cả con sông này.

Mỗi lúc khai thác khoáng sản ở đầu nguồn, thì phía hạ lưu sông Đakrông nước bị nhuộm đỏ (Ảnh: Hưng Thơ)

Ông Lê Đắc Quỳ – Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, sông Đakrông đi qua 11 xã, thị trấn của huyện, và hầu hết người dân sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt. “Đặc biệt ở các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt, Húc Nghì thì thấy rõ nguồn nước bị đỏ đục. Họp hay tiếp xúc cử tri, người dân ở các địa phương đều phản ánh, nhưng nguyên nhân gây ô nhiễm nằm ngoài địa bàn của huyện, nên huyện chỉ biết đi kiến nghị” – ông Quỳ cho hay.

Từ phản ánh, Sở TNMT tỉnh Quảng Trị đã lấy mẫu nước ở khe Li Leng xét nghiệm kết quả thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt giới hạn về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt gấp 28 lần. Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế lấy 2 mẫu nước ở khe Li Leng và sông Đakrông và 1 mẫu trầm tích tại khe Li Leng để phân tích.

Kết quả, mẫu trầm tích có thông số Asen vượt 1,72 lần so với quy chuẩn; mẫu nước mặt khe Li Leng có tổng chất rắn lơ lửng vượt 46,25 lần, Mangan vượt 6,1 lần, sắt vượt 12,36 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Kết quả kiểm tra nói trên cho thấy, nguồn nước gần như duy nhất phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt của cả vạn người dân ở huyện Đakrông rất đáng lo ngại. Vì vậy, ngày 25.3.2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị kiểm tra, ngăn chặn nguồn thải này để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sống ven sông Đakrông.

Trước đó, vào tháng 12.2018, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị cũng có văn bản gửi Thường trực HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị giám sát tình hình khai thác tài nguyên gây ô nhiễm khu vực đầu nguồn xã Hồng Thủy.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị và UBND tỉnh Quảng Trị không nhận được hồi âm, cũng như tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở suối Li Leng và sông Đakrông vẫn không thuyên giảm.

Ngọc Anh (T/h)

Ngọc Anh (T/h)