Nghệ An: Mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ xuống thấp kỷ lục

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 03:33, 19/07/2019

Moitruong.net.vn – Theo số liệu đo đạc, lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trung bình chỉ 20-30 m3/s. Báo động mực nước xuống thấp kỷ lục

Nắng nóng kéo dài suốt 2 tháng qua, cùng với việc xả nước điều tiết thủy lợi cho vùng hạ lưu khiến mực nước trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) xuống cạn kỷ lục. Không chỉ khiến việc đi lại của bà con dân bản hết sức vất vả mà cuộc sống, sinh hoạt ở vùng khó càng thêm khó khăn.

Mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ thấp kỷ lục do phải điều tiếp nước chống hạn cho hạ du. (Ảnh: Nguyễn Oanh)

Hồ thủy điện chạm mực nước chết

Những ngọn núi bao quanh lòng hồ thủy điện Bản Vẽ như được cắt ngang. Một nửa trên đang là màu xanh, còn nửa phía dưới màu nâu bạc, khô cằn, trơ những thân cành, rễ cây chết từ lâu nay mới nhô ra do nước rút xuống. Bến thượng lưu thời gian này cũng nằm tụt sâu theo mực nước hồ. Nhìn từ trên xuống, những con thuyền nằm chụm đầu vào doi đất cạn, trông buồn bã, đìu hiu. Người dân phải thêm một đoạn gồng mình trèo dốc mới lên được đường bê tông.

Khu vực bến thực ra chỉ có 1 vài nhà bè dựng nổi trên mặt hồ, là nơi tập kết, cung ứng hoặc thu mua các loại hàng hóa, thực phẩm cho bà con sinh sống trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ bến thượng lưu này, muốn vào xã Hữu Khuông và một số bản thuộc xã Nhôn Mai, Mai Sơn phải mất khoảng 3 tiếng ngồi thuyền, với quãng đường 50 – 60km. “Nhưng bây giờ chỉ phải ngồi thuyền khoảng 2 tiếng thôi”, anh Lương Văn Bù hóm hỉnh nói. “Còn hơn 1 tiếng nữa là phải đi bộ. Nước ở trong thượng nguồn Nậm Nơn rút cạn hết. Hôm trước bùn lầy đến ngang người, không thể lội được. Khoảng hơn 1 tuần nay, đất bùn đã khô cứng, nên đỡ hơn”.

Anh Bù là người dân tộc Thái, nhà ở bản Con Phen, xã Hữu Khuông, nhưng anh dựng thêm một cái nhà bè trên mặt hồ và làm nghề lái thuyền chở khách ra vào. Mỗi ngày 1 chuyến, buổi sáng chở khách ra, buổi trưa chở khách vào. Dịp này nghỉ hè, không có thầy cô giáo, học sinh ra vào nhiều nên cũng vắng vẻ hơn. Đến giờ, chỉ có vài người, anh vẫn nổ máy, chạy thuyền vào lòng hồ.

“Cứ đến mùa khô thì nước hồ cũng cạn, nhưng chưa năm nào khô hạn trơ đáy như năm nay. Mấy hôm trước, từ nhà bè của mình nhìn ra vẫn còn thấy vũng nước, mà hôm nay thì khô luôn rồi”, anh Bù nói.

Hữu Khuông là xã đặc biệt khó của huyện khó Tương Dương. Việc giao thương, đi lại từ nơi đây là trung tâm huyện chỉ duy nhất bằng đường thuyền vốn đã nhiều vất vả, nay lại càng gian truân. “Hiện nay có 5 bản gồm Huồi Pụng, Pụng Bón, Con Phen, Tủng Hốc, Chà Lâng bà con phải đi bộ từ 1,5 – 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi có thuyền. Một số bản khác có đường bộ, nhưng chỉ đi được một vài đoạn, còn lại là kết hợp đi bộ và đi thuyền”, ông Cụt Văn Pèng, cán bộ xã Hữu Khuông cho biết.

Lớp bùn sâu hiện ra khi lòng hô cạn nước. (Ảnh: Nguyễn Oanh)

Thiếu nước gây cản trở cho vùng đặc biệt khó khăn

Nước rút, bùn khô nứt nẻ cũng đã lộ ra các tuyến đường cũ từ ngày xưa, khi vẫn còn bản làng chưa ngập sâu dưới dòng nước Bản Vẽ. “Thấy bà con vất vả đi lại do giao thông phức tạp, chính quyền xã Hữu Khuông đã huy động lực lượng đoàn thể, thanh niên cùng người dân tu sửa các con đường cũ đó. Gạt bùn, đắp thêm đất ở những đoạn hư hỏng. Hiện nay, người dân đã có thể đi lại bằng xe máy trên các con đường tạm đó để ra đón thuyền. Tuy nhiên, một số đoạn khó quá thì vẫn phải đi bộ”, ông Lô Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết.

Không chỉ nước hồ hạ thấp, mà trời nắng, ít mưa cũng khiến cho nước ở các con khe nhỏ cạn dần. Bà con không thể đưa nước vào ruộng được. Nước sinh hoạt cũng phải tiết kiệm hơn. Trong khi đó, ở khu vực trên mặt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, những hộ dân dựng bè sinh sống và nuôi cá lồng cũng tiềm ẩn nguy hiểm.

“Nhà bè trên mặt hồ nên nước lên thì bè lên, nước xuống thì bè xuống. Hôm trước, nước cạn, bè hạ xuống mắc phải gốc cây to bị nghiêng suýt nữa thì lật úp. May mà ban ngày nên kịp nhờ người đến giúp. Giờ nghĩ lại vẫn sợ. Ở trên hồ, sợ nhất là nước cạn”, một chủ nhà bè kể.

Nhà ở xã Xá Lượng (huyện Tương Dương), nhưng bà Hoa cùng chồng quyết định dựng bè trên mặt lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng. Năm nay đã là năm thứ 3 bà nuôi các loại cá bống, cá leo, cá ghé, cá lăng, ngạnh, trê… Đây là những loại cá sống được ở những vùng nước lặng, sâu. Nhưng vừa qua, cá lồng của gia đình bà Hoa bị chết khá nhiều: “Hạn lâu quá, nước hồ cạn đục, hôm trước có một trận mưa, lạ nước nên cá chết hàng tạ. Chết đầu tiên là cá ngạnh, sau đó đến cá trê. Cá bống là loại cá khỏe nhất cũng bị chết một ít. Năm ni nuôi cá rứa là lỗ vốn rồi”, bà than thở.

Người phụ nữ ngoài 50 tuổi gom số cá vớt được trong ngày, tự chạy thuyền cập bến thượng lưu, cất giọng nói với người nhập: “Bữa nay ít quá, được có hơn 2 tạ cá bống, mấy loại cá kia ít lắm”. Nói rồi bà khiêng cá lên nhập cho đầu mối thu mua.

Theo bà Hoa, trước kia nuôi cá thỉnh thoảng cũng bị chết, do hồ thủy điện không xả, nước tù, quẩn không có dòng chảy nên cá thiếu không khí. Nhưng thời tiết như hiện nay thì việc nuôi cá lồng của bà càng gặp khó khăn hơn. Nhưng không làm thì không biết lấy cái chi mà ăn, đã nuôi thì phải giữ thôi. Sau này, thả những loại cá sống khỏe ở nước hồ. Nói rồi, bà Hoa lại quay thuyền ngược về bè chuẩn bị lưới mắt cáo để ngày mai tiếp tục thu hoạch cá đem bán.

Lan Phương (T/h)

Lan Phương (T/h)