Grap, Uber sẽ được quản lý như taxi thường

Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 09/11/2017

(Moitruong.net.vn) – Sáng 8/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hà Nội tổ chức họp về công tác triển khai Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, Grap, Uber sẽ được quản lý như taxi thường.

Grap, Uber sẽ được quản lý như taxi thường

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Sở GTVT TP. Hà Nội, đại diện các Sở Tài chính, Công Thương, Cục thuế, Công an Hà Nội, Hiệp hội taxi Hà Nội, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng và tham gia thí điểm đề án.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội đánh giá, các đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng như: Công ty TNHH Grabtaxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam…có những thuận lợi là những đơn vị có năng lực tài chính lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao đủ điều kiện thực hiện công tác thí điểm đạt được những mục tiêu chính. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải có đủ tiềm năng và lực lượng phối hợp với đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng để triển khai công tác thí điểm, cung cấp ra thị trường dịch vụ vận tải chất lượng cao, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Về khó khăn, từ khi mô hình ứng dụng công nghệ hợp đồng vận chuyển của Grab, Uber tham gia thí điểm, số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nội tăng nhanh chóng, vượt quá yêu cầu của thành phố và gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt việc quản lý hạn chế xe taxi và phương tiện giao thông cá nhân.

Ngoài ra, một số phương tiện tham gia thí điểm không có logo, không niêm yết phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Một hạn chế nữa cũng được chỉ ra là kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử là hình thức vận tải mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đủ quy định để quản lý chặt chẽ.

Bản thân Quyết định 24 của Bộ GTVT quy định không rõ cơ chế xử lý vi phạm với các đơn vị vi phạm, và không quy định số lượng phương tiện đưa vào hoạt động thí điểm, đã gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như việc đánh giá hiệu quả.

Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, việc thí điểm đề án còn có nhiều bất cập, gây bất bình đẳng với taxi truyền thống, trong khi Uber, Grab hoạt động như taxi.

Các bất cập về việc tăng giá bất thường vào giờ cao điểm, gia tăng phương tiện nhanh chóng không có kiểm soát, không công khai minh bạch vấn đề thuế, việc khuyến mại trái quy định của pháp luật, không kê khai giá như taxi… lần lượt được chỉ ra.

Bởi vậy, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội phát triển Uber, Grab phải hài hòa lợi ích của các bên. Đó là lợi ích của doanh nghiệp, khách hàng, đối tác, quy luật thị trường và cả lợi ích của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước sẽ kiểm soát để tránh cạnh tranh không lành lạnh, kiểm soát độc quyền. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm soát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và các bên liên quan.

Ông Viện cũng thừa nhận, trong quá trình Uber, Grab thực hiện thí điểm làm thay đổi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Cùng đó, loại hình kinh doanh này cũng được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, theo ông Viện, hiện công tác quản lý loại hình xe hợp đồng vẫn còn bất cập. Đây là loại hình kinh doanh mới, cần có cách quản lý chặt. Ngay từ khi bắt đầu thí điểm Hà Nội đã nhận thấy bất cập của loại hình xe hợp đồng này.

Qua đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông góp phần giảm ùn tắc. Theo đó, từ nay đến năm 2030, trong đề án sẽ có quy định riêng về loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải được coi như hoạt động xe taxi và có những quy định chặt chẽ để chống ùn tắc giao thông.

Gia Hân (t/h)