Bến Tre: Khai thác du lịch sinh thái ven biển

Kinh tế - Ngày đăng : 10:45, 06/11/2017

(Moitruong.net.vn) – Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt, người dân vùng biển gặp nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp. Trong cái khó, nhiều người dân nơi đây đã sớm nghĩ đến việc làm du lịch biển, du lịch sinh thái rừng, du lịch homestay. Theo đó, hiện nay du lịch Bến Tre đang đẩy mạnh khai thác du lịch sinh thái ven biển.

Bến Tre: Khai thác du lịch sinh thái ven biển

Trải nghiệm thú vị

Mới đây, đoàn khách du lịch gồm 5 người từ TP. Hồ Chí Minh đến hộ anh Nguyễn Văn Tính – 1 trong số hơn 10 hộ dân đang làm du lịch homestay gắn với du lịch sinh thái rừng trên địa bàn ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Xung quanh căn nhà làm bằng cây lá của anh Tính là khu vườn trồng xoài tứ quý. Gần đấy là rừng phòng hộ. Bên dưới tán rừng ngập mặn là các loại thủy sản như: tôm, cua, cá…

Đoàn khách được chủ nhà chào đón, tiếp đãi với món trà sâm và đậu phộng rang. Vợ anh Tính cho biết, trà sâm được nấu từ lá và củ sâm đất (sâm biển). Sâm biển đang được nhiều người ưa chuộng, bởi tính năng thảo dược rất tốt cho sức khỏe. Gần đây, lá sâm đất gần như là nguyên liệu bản địa không thể thiếu trong chế biến món ăn phục vụ khách du lịch, nhất là món lẩu hải sản, lẩu cá ngát. Sau vài câu hỏi tìm hiểu, đoàn khách thúc giục anh Tính dẫn ra đầm, chèo xuồng để dỡ lọp cua, kéo lưới “12 cửa ngục”. Đoàn khách có được cảm xúc bất ngờ, vui sướng khi tự tay bắt được con cua, con cá. Cảm giác được ngồi trên chiếc xuồng lênh đênh trên mặt nước rồi chèo đi và bắt cua, cả cách trói cua cũng là những trải nghiệm thú vị. Chuyến đi chưa kết thúc, chưa rời khỏi địa phương nhưng các anh đã rôm rả hứa hẹn những chuyến trở lại để được thưởng thức hải sản, được bơi xuồng len lỏi vào rặng bần xanh, tự chọn hái những trái bần ngon nhất cho nồi lẩu cá ngát.

Tâm sự với đoàn khách về những khó khăn do ảnh hưởng BĐKH, anh Tính cho rằng, trước đây, anh có thể khai thác nguồn lợi dồi dào dưới tán rừng và có cuộc sống ổn định. Nhưng vài năm gần đây, nguồn lợi này giảm đáng kể, dẫn theo nguồn thu nhập hàng ngày của gia đình cũng giảm dần. Nhưng bù lại, với việc khai thác các giá trị tài nguyên bản địa để phục vụ du khách tìm hiểu và trải nghiệm đang là hướng đi mới cho bài toán kinh tế gia đình anh.

Bữa cơm có cá đối nướng, mắm tép, lẩu cá ngát nấu bần, cua luộc… nhận được không ngớt lời khen của đoàn khách. Vợ chồng anh Tính hứa, lần sau đoàn tới sẽ có món gỏi gà trộn xoài tứ quý hoặc gỏi cá trộn xoài. Ẩm thực bản địa ở đây còn có ba khía trộn xoài, khế hay cá bống sao kho sả ớt… và còn nhiều món để du khách khám phá, thưởng thức.

Những cảm nhận ý nghĩa

Du lịch Thạnh Phú hàng năm đón bình quân vài ngàn lượt khách đến tham quan, tắm biển, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực. Đặc biệt, trong các ngày lễ, cuối tuần, lượng khách tăng đến 10 – 12 ngàn người, đã trở thành điểm nhấn cho ngành du lịch Bến Tre. Khách du lịch đến đây, ngoài nhu cầu vui chơi giải trí, ẩm thực, tắm biển… còn muốn hiểu rõ hơn về người dân địa phương đang chịu ảnh hưởng và thích ứng với BĐKH như thế nào.

Từ TP. Bến Tre đến điểm cuối của quốc lộ 57 khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, khách du lịch sẽ đến Khâu Băng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến A101 – Bến vận chuyển vũ khí Bắc – Nam, Đường Hồ Chí Minh trên biển). Rồi tiếp tục theo đường tránh trú bão (vừa hoàn thành trong năm 2017) với chiều dài 5km, qua ấp Thạnh Lộc để ra tận biển, vị trí điểm dừng là cồn Đâm. Tại đây, du khách tận mắt nhìn thấy biển lấn bờ, rừng ngập mặn chết dần. Hàng loạt gốc bần, mắm đã chết khô và trơ gốc rễ hứng chịu từng cơn sóng vỗ vào. Ông Nguyễn Văn Tế – cán bộ thống kê xã Thạnh Phong cho biết, mùa gió chướng năm 2016, sóng đánh lở trạm dừng quay đầu xe với chiều dài từ biển vào trạm dừng khoảng 30 – 40m.

Chị Trúc Ly – người dân tại cồn Đâm đã nắm bắt cơ hội ra đây mua bán để mưu sinh – tâm sự: “Tiền lời mỗi ngày tôi kiếm được đủ nuôi 3 đứa con đi học, đỡ hơn trồng dưa, sắn. Bởi thời gian gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, trồng rau màu thường bị thất mùa”.

Chỉ một năm, hình ảnh biển lấn rừng phòng hộ từ ảnh hưởng BĐKH đã diễn ra. Đối ngược lại là sự can thiệp, đương đầu chống chọi lẫn tìm cách để thích nghi của người dân nơi đây khiến đoàn khách có nhiều suy nghĩ, cảm nhận từ thực tế. Sau mỗi chuyến đi, khách du lịch sẽ được thể hiện tình cảm, hành động của mình trước tình trạng BĐKH bằng việc tự tay trồng cây gây rừng khu vực đê BĐKH, ấp Thạnh Lộc.

Theo báo Đồng Khởi