Hà Nội: Giảm dần quy mô khai thác nước ngầm
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 06:30, 11/07/2019
Theo Nghị quyết về việc Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được HĐND TP thông qua tại phiên làm việc sáng 10-7 với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm, dân cư đô thị vệ tinh và dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đều đạt 100%. Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, TP cũng dừng hẳn việc khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam Hà Nội…
Trình bày tờ trình tại Kỳ họp, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Mục tiêu quy hoạch đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 95-100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90%-100%.
Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch là 100%; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90%-100%. Giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 đạt dưới 15%, đến năm 2030 đạt dưới 15%.
Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của TP Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2030, cả hai nguồn nước là nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng. Tuy nhiên quy mô khai thác nước ngầm được giảm dần. Giai đoạn đến 2025 TP sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các trạm xử lý nước ngầm quy mô công suất quá nhỏ, hoạt động không hiệu quả và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các nhà máy nước mặt công suất lớn.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng trình bày Tờ trình tại Kỳ họp.
Giai đoạn đến năm 2030 dừng khai thác nước ngầm tại các nhà máy nước ngầm Tương Mai, Pháp Vân, Hạ Đình là nơi có chất lượng nguồn nước ngầm xấu (hàm lượng sắt, độ nhiễm bẩn hữu cơ, hàm lượn amoni rất lớn) dẫn đến chi phí sản xuất nước rất cao nếu như yêu cầu nước sau xử lý phải đạt chất lượng theo quy chuẩn.
Quy hoạch cũng điều chỉnh trong giai đoạn đến năm 2030 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam Hà Nội. Giai đoạn đến năm 2050 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm khu vực phía Tây Hà Nội. Quy mô khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung tại khu vực trung tâm, khu vực phía Bắc, khu vực phía Đông Hà Nội giai đoạn 2020, 2030, 2050 giảm dần.
Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050.
Như vậy, nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống được quy hoạch làm nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước mặt quy mô công suất lớn. Để đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước theo các giai đoạn của thành phố với việc giảm dần quy mô khai thác nước ngầm của từng khu vực, lưu lượng khai thác các nguồn nước mặt cũng tăng dần theo các giai đoạn. Quy mô khai thác nguồn nước mặt sông Hồng giai đoạn quy hoạch đến 2030 để cấp cho các nhà máy nước sông Hồng là 300 nghìn m3/ngày, nhà máy nước Bắc Thăng Long là 150 nghìn m3/ngày, nhà máy nước Tiến Thịnh là 25 nghìn m3/ngày…
Sông Đà được quy hoạch làm nguồn nước thô cấp cho nhà máy nước sông Đà, Xuân Mai, Ba Vì với quy mô công suất của từng nhà máy đến năm 2030 lần lượt là 900 nghìn m3/ngày, 300 nghìn m3/ngày, 100 nghìn m3/ngày.
Theo ông Lê Văn Dục, phương án quy hoạch sử dụng nguồn nước vừa bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố vừa bảo đảm việc khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách ổn định và bền vững.
Hà Nội sẽ giảm dần quy mô khai thác nước ngầm. Ảnh minh họa
Báo cáo Thẩm tra của HĐND TP Hà Nội cho thấy, đồ án quy hoạch đã đánh giá được kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch cấp nước Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 499/Q Đ-TTg ngày 21/3/2013, trong đó đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như việc triển khai xây dựng một số nhà máy nước mặt quy mô lớn để bổ sung nguồn cấp nước, một số dự án ưu tiên đầu tư như trạm biến áp, trạm bơm tăng áp chính chưa xây dựng; khu vực nông thôn nhiều dự án công trình nước sạch tập trung quy mô xã, liên xã thực hiện còn chậm so với quy hoạch được phê duyệt.
Đồng tình với Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, các đại biểu cho rằng Quy hoạch được chuẩn bị công phu nhằm triển khai chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố về nâng cao dịch vụ cấp nước, bảo đảm sức khỏe người dân. Đây cũng là bước cụ thể hóa mục tiêu 100% người dân Thủ đô được dùng nước sạch.
Tuy nhiên đại biểu lưu ý cần kiểm soát chất lượng nước thông minh tại các nhà máy nước, thực hiện công khai chất lượng nước trên thông tin truyền thông.
Tú Anh (T/h)