Gắn tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh
Kinh tế - Ngày đăng : 22:44, 01/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 1/12, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh (GIZ), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh”.
Quang cảnh hội thảo “Lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh”
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, chi tiết hóa các hoạt động cần thiết để thực thi chiến lược tăng trưởng xanh. Chiến lược tăng trưởng xanh đã đưa ra 17 nhóm giải pháp, với nhiều giải pháp cụ thể khác nhau ở mỗi nhóm.
Theo đó, kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia bao gồm 4 chủ đề chính, với 12 nhóm hoạt động và 66 hoạt động cụ thể; trong đó có 23 hoạt động ưu tiên; đồng thời, rà soát điều chỉnh các quy hoạch phát triển 7 ngành: năng lượng; công nghiệp; nông lâm thủy sản; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên – môi trường, khoa học – công nghệ theo định hướng tăng trưởng xanh. Đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng 40 tỉnh/thành phố có kế hoạch tăng trưởng xanh cấp tỉnh”.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn bày tỏ quan điểm: Để phát triển ngành nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Áp dụng canh tác kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và nâng cao trình độ quản lý để giảm phát thải khí nhà kính; Tái sử dụng, tái chế phụ phẩm, phế thải nông nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng phổ biến thức ăn giàu dinh dưỡng trong ngành chăn nuôi để nâng cao chất lượng và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi; Trồng rừng nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững; Đổi mới công nghệ trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm ô nhiễm trong các làng nghề và hoạt động phu nông nghiệp ở nông thôn.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: Thực hiện tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các – bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, những nhà quản lý và hoạch định chính sách đều có chung quan điểm để tìm ra các điểm tiếp cận đầu vào cho việc lồng ghép tăng trưởng xanh cần lưu ý tính nhất quán của quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược và kế hoạch hành động; khả năng tham gia của các bên liên quan, cơ chế phối kết hợp cho quá trình xây dựng và triển khai; các hoạt động ưu tiên nâng cao năng lực chống chịu, các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, những nhà quản lý và hoạch định chính sách. Những ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cùng chia sẻ, thảo luận, trình bày ý kiến về việc “Lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh” và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh hiệu quả sẽ giúp cho Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương có những công trình nghiên cứu về Chiến lược tăng trưởng xanh.
Anh Thư