Bảo vệ nguồn nước ngầm trước khi quá muộn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:33, 07/07/2019
Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng các hoạt động công nghiệp, năng lượng, giao thông kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến nguồn nước ngầm ngày càng bị cạn kiệt.
Ðáng chú ý, trong số 80% số dân nông thôn, chỉ có khoảng 60% số hộ được sử dụng nước sạch. Nước sử dụng cho sinh hoạt bao gồm nước mặt (chiếm 70%) và nguồn nước ngầm (chiếm 30%), nhưng nguồn nước ngầm và nước mặt ở nước ta phân bố không đồng đều và phụ thuộc vào lượng mưa hàng tháng, cho nên phần lớn khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thiếu nước, nhất là vào mùa khô.
Nguồn nước ngầm ngày càng bị cạn kiệt. Ảnh: Internet
Hiện nay, yêu cầu quản lý tài nguyên nước (TNN) bền vững ở Việt Nam ngày càng cấp bách do nước ta mới chỉ chủ động gần 30% nguồn nước, gần 70% lượng nước phụ thuộc bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm thời gian qua chưa hiệu quả khiến nguồn nước liên tục bị suy giảm.
Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao triển khai một số nhiệm vụ về quan trắc, đánh giá hiện trạng sụt lún và tìm nguyên nhân, giải pháp ứng phó trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, kết quả khảo sát tại một số địa phương Nam Bộ cho thấy, các hoạt động đang có nguy cơ cao làm cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nước ngầm hiện nay, gồm: Sản xuất công nghiệp, tưới tiêu, chăn nuôi, phân bón và hoạt động dân sinh. Việc khai thác và sử dụng quá mức nước ngầm hiện nay đang làm cho trữ lượng nước sụt giảm.
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những địa phương chịu tác động rõ rệt của BĐKH, nguồn nước ngầm cũng dần cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Khoảng 5 năm trước, mực nước ngầm tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc… cách mặt đất 7-8m thì hiện nay phải khoan sâu từ 15 đến 17m mới có nước. Với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội khá nhanh, địa phương này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.
Còn ở tỉnh Bình Dương, mực nước giảm thấp tại địa bàn Khu công nghiệp Sóng Thần và các thị xã: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát… Những địa phương này có quá nhiều giếng khoan khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp, dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và tụt giảm đáng kể, có thời điểm giảm tới 2m…
Và mới đây nhất, tại diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 18/6, ông Hoàng Văn Bẩy Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP.HCM và ĐBSCL cho thấy có đến 306 mốc lún so với năm 2005.
Trong số này, lún nặng nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), lên đến 81,4 cm và phường 1 (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là 62,2 cm. Điều đáng lo ngại là tốc độ lún đang diễn ra với tốc độ cao, như phường An Lạc khoảng 6,8 cm/năm, xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là 5,74 cm/năm…
Nguyên nhân sụt lún được xác định có liên quan đến hoạt động khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm.
Từ năm 2018, UBND TP.HCM đã có kế hoạch giảm lượng khai thác nước ngầm xuống, từ hơn 700 nghìn mét khối ngày đêm còn 100 nghìn mét khối ngày đêm vào năm 2025. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), hiện nay nhu cầu khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn thành phố là gần 720 nghìn mét khối ngày đêm, trong đó, lượng khai thác nước ngầm trong các hộ gia đình chiếm 50% với 356 nghìn mét khối ngày đêm.
Khảo sát của Sở TN và MT cho thấy, nhu cầu sử dụng nước ngầm không chỉ phổ biến ở khu vực ngoại thành mà ở khu vực nội thành, nhiều hộ gia đình cũng sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan. Ðáng lưu ý, nhiều nơi dù đã phủ kín hệ thống nước máy nhưng không ít hộ dân vẫn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày.
Tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, mặc dù nguồn nước máy của Công ty cấp nước Trung An kéo về đây đã gần hai năm nhưng nhiều hộ dân vẫn duy trì hệ thống giếng khoan để lấy nước sử dụng trong sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ đường Trần Văn Mười, xã Xuân Thới Thượng cho biết, sau khi gắn đồng hồ nước, gia đình bà chỉ dùng nước máy để uống, còn nấu ăn và tắm giặt vẫn bơm từ giếng khoan trong nhà để tiết kiệm chi phí. Sử dụng nước giếng thoải mái hơn nhiều so với nước máy, chỉ tốn tiền điện bơm nước.
Một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn cũng cho biết, cơ sở này mỗi ngày sản xuất gần 30 bao (khoảng 300 kg) nước đá với nguồn nước lấy từ giếng khoan công nghiệp của cơ sở. Không chỉ tại các hộ gia đình, nhiều điểm rửa xe ở khu vực quận 7, 9, Gò Vấp, Tân Phú và thậm chí ở khu vực quận 1, 3… cũng khai thác và tiêu thụ một khối lượng lớn nước ngầm để kinh doanh dịch vụ này. Sở TN và MT đã nhiều lần cảnh báo tình trạng khai thác nước ngầm quá mức nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Lý giải về thực trạng này, Phó Giám đốc Sở TN và MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, người dân vẫn còn thói quen dùng nước giếng khoan và chưa nhận thức hết được những tác hại của việc sử dụng nguồn nước đó cũng như hậu quả khi khai thác nước ngầm quá mức. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ tài nguyên nước cũng chưa được thực thi nghiêm túc cho nên tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, sử dụng thiếu hợp lý vẫn tồn tại.
Một nghiên cứu từ Sở TN và MT cho thấy, đến năm 2020, nhiều khu vực ngoại thành sẽ bị sụt lún từ 12 đến 20 cm với nguyên nhân chính từ khai thác nước ngầm. Tình trạng sụt, lún này cộng với biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao sẽ làm cho tình hình ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Kết quả giám sát chất lượng nước ngầm định kỳ của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng cho thấy, chất lượng nước ngầm trên địa bàn, nhất là các mẫu nước giếng của hộ dân hầu như có độ pH thấp, hàm lượng a-mô-ni cao vượt giới hạn cho phép, không bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng. Các điểm không đạt tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn.
Tình trạng thiếu, khan hiếm nước sạch đã, đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) Bùi Thanh Giang nhận định: Nguồn nước ngầm tự khai thác có chi phí rẻ hơn so với nước máy là một trong những lý do dẫn đến việc các hộ gia đình, các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng nguồn nước máy rất hạn chế. Tuy nhiên, hậu quả của việc khai thác nước ngầm quá mức và sử dụng nước ngầm không bảo đảm vệ sinh thì người dân chưa lường hết được.
Hiện nay, nguồn nước máy đã được cấp đến toàn bộ các hộ dân của thành phố với tổng lượng nước phát ra hơn 1,8 triệu mét khối ngày đêm (dư khoảng 500.000 mét khối ngày đêm). Trong khi một lượng lớn nước ngầm vẫn được người dân và doanh nghiệp khai thác sử dụng là sự lãng phí lớn về tài nguyên nước cũng như đe dọa môi trường do nguy cơ sụt, lún từ việc khai thác nước ngầm gây ra… Để kiểm soát tình trạng này, UBND thành phố đã giao Sở TN và MT phối hợp chính quyền địa phương trám lấp các giếng ngầm hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững TNN nói chung và bảo vệ nguồn nước ngầm nói riêng, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện chính sách pháp luật, chiến lược về TNN; chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch TNN lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch TNN của các tỉnh, TP; tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng TNN dưới đất. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và các nguồn lực quốc tế trong công tác điều tra, đánh giá và quản lý TNN; tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm…
“Ngành TN&MT đã và đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch tài nguyên nước cho cả nước, các lưu vực sông lớn và kế hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tìm kiếm nguồn nước ngầm ở các vùng khan hiếm nước và hải đảo; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động 6 Ủy ban lưu vực sông nhằm hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước và thông lệ quốc tế”, ông Kiên cho biết thêm.
Mai Phương (T/h)