Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:00, 05/07/2019
Hiện nay, cả nước có tổng số 9.297 km đê, trong đó, đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt là 2.730 km. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện trạng trước mùa mưa, lũ năm 2019 đã có 237 trọng điểm, vị trí xung yếu, hơn 240 km đê thiếu cao trình thiết kế, 726 km đê không bảo đảm mặt cắt thiết kế; 448 cống dưới đê xung yếu; hơn 12,8 km đê thường xuyên bị đùn sủi; 220 km kè bị hư hỏng có diễn biến sạt lở… Đây được coi là những ẩn họa khi có mưa, bão.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2018, cả nước xảy ra 10.153 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Đáng chú ý, các cơ quan chức năng mới xử lý được 3.062 vụ, tồn đọng 7.091 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay, tiếp tục xảy ra 202 vụ vi phạm pháp luật, tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được 39 vụ.
Cống Xuân Canh – Long Tửu. Ảnh: Khánh Phong
Trong năm 2018, các địa phương có đê đã đầu tư, sử dụng 8,1 triệu bao tải; 1,1 triệu m2 bạt chắn sóng; 91.101 rọ thép; 406,302 m3 đá hộc, 26.075 m3 đá dăm; 220 tấn dây thép buộc để gia cố các tuyến đê xung yếu, có nguy cơ vỡ. Ngoài ra, thực hiện chương trình tu bổ, nâng cấp các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã được đầu tư 50 tỷ đồng xây mới chín cống dưới đê thay thế cống cũ và gia cố được 11,5 km mặt đê. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí 295 tỷ đồng để gia cố 58,6 km mặt đê; làm 6,3 km đường hành lang chân đê; tu sửa 2,3 km kè; sửa chữa chín cống dưới đê; khoan phụt vữa gia cố 37 km thân đê. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, số vốn đầu tư này mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu gia cố, sửa chữa hệ thống đê điều.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, nhằm bảo đảm an toàn công trình đê điều, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng từ nguồn quỹ PCTT phục vụ công tác PCTT, trong đó, riêng khắc phục 11 điểm đê điều hư hỏng đã tốn 11 tỷ đồng. Còn tại Ninh Bình, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu như cát, sỏi… ở lòng sông, bãi sông tăng nhanh, cùng với đó tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều cũng diễn biến phức tạp cả về số lượng, quy mô, tính chất và mức độ, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ đê điều.
Từ ngày 3-4 đến 15-5, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện, lập 21 biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đê điều tự tổ chức giải tỏa, di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm ra khỏi hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ.
Thực tế cho thấy, qua mỗi mùa mưa, bão, tình trạng hệ thống đê điều bị hư hỏng, xuống cấp xảy ra rất phổ biến. Để xử lý cấp bách các sự cố đê điều phát sinh, ngày 17-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1044/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2018 cho các địa phương. Với số vốn nêu trên, dự kiến, các địa phương sẽ xử lý dứt điểm được 18 trọng điểm xung yếu về đê điều và bảo đảm an toàn chống lũ, bão cho hơn 238 km đê từ cấp III trở lên. Tuy nhiên, thực tế các địa phương triển khai rất chậm, mới chỉ có hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình thi công, còn các tỉnh khác đang hoàn thiện thủ tục để triển khai.
Mùa mưa, bão năm 2019 đã đến, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tuyến đê, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu; triển khai các phương án bảo vệ đê trọng điểm. Trong đó, lưu ý việc quy định trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để thực hiện. Căn cứ phương án bảo vệ trọng điểm, cần chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng vị trí trọng điểm. Ngoài số vật tư dự trữ hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân khi có sự cố xảy ra (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn). Đồng thời rà soát lại các loại vật tư thiết yếu phục vụ công tác xử lý từng loại sự cố đê, cống.
Những sự cố đê điều tồn tại và vừa phát sinh cần được kịp thời báo cáo, thông tin đến các cấp có thẩm quyền, kể cả báo cáo vượt cấp, đồng thời huy động vốn đẩy nhanh tiến độ xử lý các sự cố. Từ đầu năm đến nay, đã có ba sự cố khá nghiêm trọng xảy ra ở các tuyến đê như đùn sủi hạ lưu cống Bích Động tại K12+364 đê hữu Thái Bình, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng), đùn sủi thượng lưu cống Cẩm Đình tại K1+350 đê Vân Cốc (Hà Nội); bãi sủi phía sông trong phạm vi bể tiêu năng thượng lưu cống Ngọc Quang tại K16+300 đê tả Chu (Thanh Hóa). Tổng cục PCTT đã có công văn đôn đốc các địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm các sự cố này.
Một vấn đề nữa là cần đặc biệt quan tâm và xử lý triệt để tình trạng vi phạm Luật Đê điều. Chi cục quản lý đê điều các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, bám tuyến, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Quản lý tổng thể hồ sơ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn, tham mưu ngành nông nghiệp và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, xử lý vi phạm cũng như xây dựng kế hoạch, biện pháp di dời công trình, nhà ở lấn chiếm đê điều và bãi sông.
Các địa phương cần chủ động đảm bảo an toàn đê điều trước mùa mưa bão 2019
Hiện nay, Tổng cục PCTT đang tích cực phối hợp Bộ Công an và lực lượng thanh tra chuyên ngành tổ chức kiểm tra đột xuất tình trạng vi phạm Luật Đê điều. Lực lượng công an sau khi kiểm tra sẽ lấy hồ sơ để điều tra riêng hoặc sẽ triển khai điều tra những vụ vi phạm nổi cộm, xác minh cụ thể để có thể khởi tố các vụ án vi phạm Luật Đê điều.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân, các địa phương cần ưu tiên tập trung sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê, bảo đảm giao thông thông suốt, sẵn sàng phục vụ ứng cứu, hộ đê; khẩn trương tu sửa, bổ sung cột mốc, biển báo, điếm canh đê; phát quang mái đê, chân đê để phục vụ tuần tra canh gác trong mùa mưa, lũ. Đồng thời, đẩy mạnh việc trồng tre chắn sóng, tăng cường tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố về đê khi mùa mưa bão năm 2019 đã đến.
Ngọc Diễm (T/h)