Cao Bằng tiêu hủy nhiều ổ dịch cúm gia cầm
Kinh tế - Ngày đăng : 10:33, 27/12/2017
(Moitruong.net.vn) – Trong những ngày gần đây, Chi cục Thú Y và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng đã tiến hành tiêu hủy nhiều ổ dịch cúm gia cầm với số lượng lớn trên địa bàn TP.Cao Bằng.
Lực lượng Chi cục Chăn nuôi và thú y phun độc khử trùng chuồng trại
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, đến ngày 25/12, tại 2 ổ dịch ở tổ 29, phường Sông Hiến (Thành phố) có 1.015 con gia cầm bị chết, tiêu hủy do nhiễm dịch cúm virút cúm gia cầm H5N1, H5N6; trong đó, 857 con gà, 158 con ngan, ngỗng.
Trước đó, ngày 21/12, dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn gà của hộ bà Phương Thị Ngang, tại tổ 29, phường Sông Hiến (nằm trong khu vực có dịch cúm virút cúm gia cầm H5N6) có biểu hiện nhiễm bệnh. Sau khi nhận được thông tin Chi cục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Kinh tế Thành phố tổ chức tiến hành tiêu hủy ngay 42 con gà chết và nhiễm bệnh.
Hiện nay, qua kết quả giám sát chủ động tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở các huyện: Phục Hòa, Trà Lĩnh, Hòa An và phường Ngọc Xuân (Thành phố) cho thấy 18/40 mẫu dương tính với cúm gia cầm Type A. Trong đó, phát hiện 4/7 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1; 5/7 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm subtype H5N6 vẫn lưu hành tiềm ẩn trong môi trường và diễn biến phức tạp khi thời tiết giá lạnh, rét buốt, nhiệt độ giảm sâu làm cho sức đề kháng của gia cầm suy giảm, đặc biệt đối với đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi chưa được tiêm phòng dễ phát sinh các ổ dịch mới.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cao Bằng vừa ban hành Kế hoạch số 4050/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Theo nội dung kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương, các ngành tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng, chống dịch; cung ứng đầy đủ vật tư, vắc xin, thuốc sát trùng, trang thiết bị, lực lượng sẵn sàng phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổng hợp đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch và tiêm phòng trên địa bàn; báo cáo định kỳ UBND tỉnh.
Các sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Thông tin và Truyền thông phối hợp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh lây chung theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương và xử lý vi phạm về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật theo quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng trong ngành từ tỉnh đến cơ sở tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; xử lý đối tượng vi phạm trong việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ra, vào vùng dịch theo quy định. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trái phép ở biên giới. Ủy ban MTTQ tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong gia đình và cộng đồng.
UBND các huyện, Thành phố triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện. Kiểm tra định kỳ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; quy hoạch giết mổ tập trung; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường an toàn. Triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018 của tỉnh, huyện tới UBND các xã.
Nhân Mã (T/h)