65.500 ha lúa có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:00, 24/07/2019

Moitruong.net.vn – Nếu nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô, sẽ có khoảng 65.500 ha; trong đó, lúa 55.400 ha, cây hàng năm 10.100 ha bị hạn hán, thiếu nước.

Theo báo cáo Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng ngày 23/7, tại vùng hạ du một số sông ở Trung bộ, phạm vi ranh mặn với nồng độ 1g/lít đã xâm nhập vào hàng chục km.

Đặc biệt trên sông Hiếu và sông Thạch Hãn, phạm vi ranh mặn nồng độ 1g/lít có lúc ở mức 30-35km. Xâm nhập mặn đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho khoảng 5.800 ha cây trồng.

Những năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp trở ngại bởi tình trạng hạn hán, hiếu nước và xâm nhập mặn. Ảnh minh họa

Theo Bộ NN-PTNT nhận định, trong trường hợp nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung Bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung Bộ), tổng cộng sẽ có khoảng 65.500 ha (lúa 55.400 ha, cây hàng năm 10.100 ha) bị hạn hán, thiếu nước.

Ở khu vực Nam Trung bộ, dòng chảy sông, suối phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 70%, như: Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng), sông Ba (Phú Yên)… Mực nước một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử (sông Thu Bồn, sông Trà Khúc). Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 25-55% dung tích thiết kế, chỉ cao hơn năm 2016 khoảng 6%, hiện có 281/520 hồ nhỏ đã cạn nước.

Xâm nhập mặn đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho khoảng 5.800 ha cây trồng ở Trung bộ. Hiện có gần 114.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Dung tích trữ hữu ích tại các hồ chứa thủy điện ở các lưu vực sông thường xuyên tham gia cấp nước cho hạ du ở mức không cao. Cụ thể, dung tích trữ hữu ích Sông Cả là 3,4% dung tích thiết kế, Thạch Hãn 8,2%, Hương 25%, Vu Gia – Thu Bồn 20%, Sông Ba – Bàn Thạch 30%, Cái Phan Rang 19%, Lũy – La Ngà 8%. Hiện các hồ đang tích cực tham gia tạo nguồn nước cho hạ du; tuy nhiên, ở lưu vực Vu Gia – Thu Bồn các hồ chứa hiện không cung cấp đủ nhu cầu dùng nước.

Để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường mạng quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt tăng cường hệ thống đo mặn tại các tỉnh ven biển khu vực Trung Bộ. Rà soát, trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông liên tỉnh để bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà máy thủy điện thực hiện việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du theo nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiện nay.

Thiếu nước khiến nhiều thửa ruộng nứt nẻ chân chim. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cho các địa phương theo Văn bản số 3384/BNN-TCTL ngày 16/5/2019 và tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương về giống khôi phục sản xuất và nước sinh hoạt nông thôn.

Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn khẩn cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô; trong đó, cụ thể phương án bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, dân sinh khu vực Trung Bộ năm 2019.

Hương Quỳnh (T/h)