Vùng rau lớn nhất Đà Nẵng…chờ mưa
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 05:01, 23/07/2019
Moitruong.net.vn
– Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng khô hạn kéo dài, mực nước ngầm xuống thấp đang khiến nông dân tại làng rau sạch lớn nhất TP.Đà Nẵng điêu đứng.
Vựa rau La Hường (P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) rộng gần 9 ha, với hơn 40 hộ tham gia sản xuất, được xem là vùng trồng rau sạch lớn nhất TP.Đà Nẵng. Đa phần diện tích đất ở La Hường được nông dân canh tác, trồng mùng tơi, rau cải, bí đao, khổ qua, rau muống… để cung cấp cho các chợ trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng và siêu thị. Thế nhưng, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến mực nước ngầm xuống thấp đã ảnh hưởng nặng nề đến vùng rau.
Nông dân phải “oằn mình” gánh nước tưới để tiết kiệm chi phí.
Điêu đứng vì nhiễm mặn
Có mặt tại vườn rau La Hường nằm sát bờ sông Cẩm Lệ vào những ngày nắng nóng giữa tháng 7, chúng tôi chứng kiến cảnh bà Lê Thị Xảo (55 tuổi, trú P.Hòa Thọ Đông) hì hục sửa máy bơm để tưới nước, mong cứu đám rau muống bị cháy vàng hơn nửa diện tích.
Bà Xảo cho biết, thời gian qua nắng nóng kéo dài, có nhiều ngày liên tục nhiệt độ lên đến 40oC, lại không có trận mưa đủ lớn… khiến cả làng rau La Hường thiếu nước trầm trọng. “Vài tháng nay gia đình tôi chỉ trồng được rau muống. Vì mực nước ngầm giảm, nước sông và nước giếng khoan đều bị nhiễm mặn, tưới tới đâu hoa màu cháy tới đó. Sợ quá, không ai dám gieo trồng gì nữa, nhiều người đã phải bỏ hoang đất…”, bà Xảo nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Yến (53 tuổi, trú P.Hòa Thọ Đông) đã phải bỏ hoang một nửa diện tích canh tác do HTX La Hường cấp. Bà Yến cho biết, hiện bà chỉ còn trồng các loại rau chịu được khô hạn. “Mè, khổ qua… cháy hết do nắng nóng và tưới nước nhiễm mặn. Tôi trồng các loại rau chống chọi được với hạn hán thì bán giá rất rẻ, đành bỏ sức ra gánh nước để tiết kiệm chi phí”, bà Yến chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV tại vườn rau La Hường, đúng là nhiều diện tích canh tác đang bị bỏ hoang. Để có nguồn nước tưới tiêu cho các loại rau, nhiều nông dân đã đầu tư lắp đặt thêm các giếng khoan, máy bơm cố gắng cầm cự và trồng các loại rau quả có khả năng chịu hạn. Tuy nhiên, năng suất và thu nhập không cao. Ông Trần Văn Tâm (64 tuổi, P.Hòa Thọ Đông) cho hay dù gắng bơm nước giếng khoan nhưng hoa màu vẫn khô héo, chết dần. Mọi năm cũng nắng nóng nhưng xen lẫn là những trận mưa lớn, nguồn nước ổn định nên mỗi tháng nông dân có thể thu về khoảng 5 triệu đồng/sào rau các loại. Năm nay thì khác…
“Oằn mình” giữ thương hiệu
Nằm bên bờ sông Cẩm Lệ, làng rau La Hường như một đảo nổi thuận lợi cho việc canh tác, sản xuất rau an toàn. Để có thương hiệu rau sạch La Hường đạt chuẩn VietGAP (Bộ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở VN) cung ứng ra thị trường, người nông dân tại đây đã nỗ lực trong nhiều năm dài. Với sản phẩm rau không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, rau La Hường đã dần mở rộng đầu mối tiêu thụ trên thị trường TP.Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX rau La Hường, cho biết thời gian canh tác của người nông dân tại đây khoảng 9 tháng mỗi năm. Ngoài đối mặt với thời tiết khô hạn, cứ đến mùa mưa lũ, cả làng rau sẽ lại bị ngập sâu do nước sông Cẩm Lệ dâng cao. Giờ đây, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hạn hán và nước nhiễm mặn, nông dân tại làng rau đã bỏ hoang hơn 5 ha. HTX rau La Hường cũng đã có báo cáo gửi UBND P.Hòa Thọ Đông và UBND Q.Cẩm Lệ về tình trạng nhiễm mặn, đồng thời khuyến khích người dân cố bám đất canh tác những loại rau chịu được hạn hán.
Ông Hoàng cũng cho biết thêm, với thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/tháng, vựa rau là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn. “Hạn hán gây nên tình trạng nhiễm mặn là những yếu tố khách quan do thời tiết, gây thiệt hại nặng cho người dân. Gần như tại HTX đã dừng mọi hoạt động buôn bán, chỉ mua bán nhỏ lẻ một số loại rau. Hiện nay, người dân chỉ biết tìm những biện pháp tạm thời và… chờ mưa”, ông Hoàng nói.
Theo Thanh niên