1/4 dân số thế giới đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:33, 17/08/2019
Theo WRI, 17 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao vì đã tiêu thụ tới 80% lượng nước sẵn có hàng năm trong khi năm 2019 chỉ còn chừng 4 tháng. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xảy ra các đợt khô hạn.
Theo số liệu mới được WRI cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), các quốc gia trong tình trạng “khát nước trầm trọng nhất” nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, tiếp theo sau là Israel và Liban.
Qatar, Isral, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Arab Saudi, Eritrea, UAE, San Marino, Bahrain, Pakistan, Ấn Độ, Turmenistan, Oman và Botswana là 17 nước nằm trong danh sách các nước đối diện với tình trạng căng thẳng về nguồn nước.
Đáng chú ý, Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia đứng trước nguy cơ thiếu nước “rất cao”. Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người, số người dân chịu nguy cơ này tại Ấn Độ cao gấp 3 lần tổng số dân chịu ảnh hưởng ở 16 quốc gia khác trong nhóm phụ thuộc nhiều vào khả năng tránh khủng hoảng nước.
Tại Ấn Độ, đáng chú ý thành phố lớn thứ 6 tại Ấn Độ là Chennai – đô thị mới nhất trên thế giới đã phải vừa ban hành cảnh báo cạn kiệt nước khi mức độ nước tại các hồ chứa giảm mạnh. Tình trạng này cũng từng được cảnh báo tại Cape Town (Nam Phi) với tên gọi “ngày không nước” (Day Zero) hồi năm ngoái hay ở thành phố Sao Paulo, Brazil năm 2015.
Ước tính, gần 1/3 lượng nước ngọt trên thế giới là nước ngầm nhưng con người đang quản lý sử dụng nguồn nước này một cách yếu kém vì thiếu hiểu biết và khó khăn trong việc đánh giá, đo đạc nguồn nước nằm sâu dưới lòng đất.
Ảnh minh họa
Theo ông Shashi Shekhar – cựu Thư ký Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ, chuyên gia cao cấp tại WRI Ấn Độ – nước này có thể quản lý rủi ro về nước với sự trợ giúp của những dữ liệu đáng tin cậy và mạnh mẽ liên quan đến lượng mưa, bề mặt và nước ngầm để phát triển các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi. Aqueduct có thể giúp xác định và dành sự ưu tiên cho các rủi ro về nước ở Ấn Độ và trên toàn thế giới.
“Cuộc khủng hoảng nước sạch xảy ra mới đây tại Chennai, Ấn Độ đã khiến toàn thế giới chú ý, nhưng còn vô số khu vực ở nước này cũng đang trải qua tình trạng căng thẳng về nguồn nước” – ông Shashi Shekhar cho hay.
Dữ liệu từ Bản đồ Rủi ro Nguồn nước Aqueduct cũng cho phép các doanh nghiệp đánh giá những rủi ro về nước trong chuỗi giá trị để xác định các lĩnh vực ưu tiên cho những hành động mang tính hợp tác. Dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên và trong thời gian tới, Viện Tài nguyên Thế giới kỳ vọng công cụ này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trên khắp thế giới, góp phần cải thiện việc quản lý nguồn nước một cách bền vững.
Ngọc Ánh (t/h)