Hoàng Mai “quện” vào đá, thú chơi lạ ngày Xuân
Kinh tế - Ngày đăng : 02:57, 10/02/2018
(Moitruong.net.vn) – Nhiều gia đình thường chưng hoa Mai trong ngày Tết cổ truyền để tăng không khí vui tươi, ấp áp… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi hoa, ông Nguyễn Đình Lam (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã tạo ra những chậu Mai bon sai có hình dáng độc đáo, được ghép cẩn thận vào đá thu hút sự quan tâm của người yêu hoa.
Ông Lam cẩn thận chăm sóc vườn mai
Trong những ngày Tết, người Huế chưng Mai không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho không gian, mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện nét sinh thái nhân văn truyền thống. Mai Huế (còn gọi là Hoàng Mai) có những nét đặc trưng mà không loài hoa Mai vùng nào có được, đó chính là hình dáng bông hoa gồm 5 cánh và mùi hương rất riêng… Hoàng Mai vốn đã “quyến rũ” nhưng thời gian gần đây càng trở nên cuốn hút khi được ghép trên nhưng tảng đá nhỏ nhắn nhiều hình thù lạ mắt.
Mai bon sai trên đá thu hút nhiều người yêu mai vì sự độc đáo
Ông Nguyễn Đình Lam-người đã dành nhiều năm nghiên cứu và thành công với việc ghép Mai vào đá, tâm sự: “Năm 1991 tôi đi thu mua và ươm hạt giống Mai về bán lại cho người khác trồng. Thời gian sau, nhiều người bạn khuyên tôi nên uốn tạo thế để bán giá cao, từ đó tôi đã suy nghĩ tìm ra một cách trồng Mai mới lạ hơn”.
Trải qua nhiều năm tìm tòi, vừa làm vừa học để rút kinh nghiệm, ông Lam đã biết cách cho cây Mai sống khỏe và tạo được thế đẹp trên những tảng đá, hiện ông sở hữu vườn Mai bon sai lên đến hàng ngàn chậu. Ông Lam cho rằng, để ghép được một cây Mai trên đá cần phải dày công hơn nhiều so với trồng một cây Mai bình thường. Mai bon sai phải được ươm từ lúc còn là những hạt giống sau mới nãy mầm thành cây, đem rủ sạch đất và bọc bộ rễ sao cho ôm sát vào tảng đá phù hợp, lấy bao ni lon phủ quanh gốc để giữ ẩm. Cây mới ghép đem vào chổ mát, thời gian đầu chăm sốc không uốn, đợi khoảng 1 – 2 năm khi cây đã ỗn định rễ ghép và phát triển tốt được trên đá mới uốn tạo hình.
Một gốc mai ôm vào đá đẹp mắt
Ông Trương Ngọc Vi (phường Phú Bài) cũng là một người có nhiều năm kinh nghiệm trồng Mai cho biết, “kỹ thuật ghép Mai vào đá chỉ cần học qua, ai cũng có thể làm, nhưng để ghép được một cây có thế, bộ rễ đẹp như ý muốn thì cần phải là người có năng khiếu và tay nghề cao mới có thể làm được. Để ghép cây Mai vào đá phải cẩn thận, khi cắt tỉa nhánh cần phải căn chỉnh độ ẩm để tránh cây nhiễm bệnh. Ghép xong phải che cây tránh nắng, mưa. Sau khoảng vài năm thì cây Mai mới ổn định và phát triển được trên đá…”.
Chậu mai trong nhà ông Lam nở hoa vàng rực làm không gian tết trở nên ấm áp, vui tươi
Vườn nhà ông Lam hiện có khoảng trên 500 chậu Mai bon sai trồng trên đá dáng đẹp và hàng ngàn chậu đang uốn tạo hình. Mỗi ngày có nhiều khách đến xem Mai và đặt mua rất đông. Ông bán chủ yếu ở chợ hoa xuân Huế với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng tùy theo kích thước, hình dáng và độ tuổi của Mai.
Ông Lam chuyển số mai đẹp nhất phục vụ Tết vào nhà kính để chăm sóc với mong muốn hoa nở đúng dịp
Theo ông Lam, Mai có một điểm lạ là cứ giữa tháng chạp là lác đác nụ và đúng ngày mùng Một thì bung ra những đóa hoa chi chít trên cành. Hoa mai Huế không có lá màu đỏ như hồng diệp Mai của vùng Trung Trung bộ hay nhiều cánh như hoa Mai của miền Nam mà chỉ có 5 cánh và lá xanh, cánh dày, vàng tươi rực rỡ, mang hương thơm nhè nhẹ, tịnh khiết và thanh thoát rất riêng. Điều đặc biệt nữa là Mai cũng hết sức nhạy cảm với thời tiết nên cần những cách chăm sóc riêng mà không phải ai cũng biết.
Mai Huế nổi tiếng khắp với màu vàng đậm, các cánh hoa không khép kín, có hương thơm đặc trưng và đọt non xanh mướt
Hiện nay ông Nguyễn Đình Lam và nhiều người trồng Mai rất lo lắng khi thời tiết ở Huế đang diễn biến khá phức tạp, khi trời mưa kéo dài, gió rét liên tiếp kết hợp với cường độ chiếu sáng yếu hoa sẽ không trổ, còn nếu thời gian trước Tết, thời tiết Huế nắng lên nhiệt tăng đột ngột cũng làm hoa bung nở đồng loạt, cây Mai nở không đúng tết sẽ giảm giá trị.
Huy Đội