Bánh Chưng Bờ Đậu: Tinh hoa đất trời đậm vị Tết Việt

Kinh tế - Ngày đăng : 02:50, 15/02/2018

(Moitruong.net.vn) – Thái Nguyên được biết đến là quê hương của những nương chè xanh ngút ngàn và hương chè xanh thơm ngon, đậm đà khiến xao xuyến lòng người. Nhắc đến Thái Nguyên người ta còn nhắc đến nền văn hóa ẩm thực truyền thống với đặc sản Bánh Chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng gần xa.

Những nguyên liệu để làm bánh Chưng Bờ Đậu như gạo nếp, đỗ xanh, lá dong

Ai đặt chân đến Thái Nguyên cũng muốn mang về một chút hương vị chè Thái Nguyên và cũng không thể quên mang về cặp Bánh Chưng Bờ Đậu rền xanh mịn, thơm ngon.

Làng bánh Chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km) điểm làm bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, đây được coi là nơi trung chuyển, giao thương Bánh Chưng của các tỉnh miền Bắc.

Đôi ban tay vàng

Sản phẩm bánh Chưng Bờ Đậu có từ những năm 1960. Tổ nghề làm bánh ở đây được người dân cho là cụ Nguyễn Thị Xuân, thường gọi là cụ Đấng. Cụ Đấng là người ở xã Cổ Lũng. Dân làng kể lại, trước đây, quán bánh của cụ Đấng nằm gọn dưới một gốc cây phượng lớn ven đường, quán tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách vì hương vị thơm ngon của bánh chưng do cụ Đấng làm. Đến lúc về già, cụ truyền lại nghề cho các con cháu và bánh chưng Bờ Đậu được lưu truyền cho đến bây giờ.

Bà Nguyễn Bích Liên – Trưởng ban Quản lý Làng nghề Bánh Chưng Bờ Đậu cho biết: “Làng nghề Bánh Chưng Bờ Đậu được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2009. Hiện nay, Làng nghề có 50 hộ dân tham gia sản xuất và kinh doanh Bánh Chưng”.

Chia sẻ về kỹ thuật gói bánh để tạo nên những nét độc đáo riêng biệt, hương vị riêng của Bánh Chưng Bờ Đậu bà Nguyễn Bích Liên chia sẻ: “Bánh Chưng Bờ Đậu thơm ngon, có hương vị đặc trưng là do sự khắt khe, tỉ mỉ trong lựa chọn nguyên liệu để làm bánh. Bánh chưng Bờ Đậu được làm từ gạo nếp cái hoa vàng đặc sản của núi rừng thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm được chọn từ loại gạo nếp ngon vùng Định Hóa; loại đỗ xanh làm nhân bánh là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng; thịt chọn gói bánh là loại thịt ba chỉ ngon chắc nịch, thái miếng to, ướp muối, hạt tiêu ngấm đều; lá dong để gói bánh là thứ lá nếp, dày, xanh mướt, bản rộng. Lá dong từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn; lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng giang bánh tẻ”.

Đúng vậy, nếu như ở những làng nghề bánh chưng khác như Làng bánh chưng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) thì bánh chưng sẽ được gói bằng khuôn. Nhưng thật đặc biệt, tại làng bánh Chưng Bờ Đậu, tất cả đều được làm bằng đôi tay khéo léo của người nghệ nhân.

Bà Nguyễn Bích Liên chia sẻ: “Đỗ xanh sau khi mua về sẽ được đãi sạch và đồ chín sau đó vắt thành từng phần nhỏ cho vào giữa lòng chiếc bánh. Cùng với đỗ là thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Việt Bắc.

Ông Ngô Tiến Sỹ thoăn thoắt gói từng chiếc bánh Chưng

Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Thời gian luộc bánh kéo dài từ 8 – 10 giờ, đến khi nước cạn phải tiếp thêm nước. Chú ý, luộc bánh Chưng phải để lửa đều thì bánh mới để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài”.

Theo tìm hiểu, một trong những “bí quyết” để làm nên hương vị đặc biệt cho bánh Chưng Bờ Đậu đó chính là nguồn nước luộc bánh. Ông Ngô Tiến Sỹ – một người hơn 30 năm gói bánh Chưng tại làng nghề cho biết: “Để làm bánh Chưng ngon, quan trọng nhất là lựa chọn nguyên liệu và gói chặt tay kết hợp với luộc bánh bằng nguồn nước tự nhiên”.

Có lẽ, nhờ nguồn nước đặc biệt đã làm nên hương vị có một không hai của bánh chưng Bờ Đậu. Cũng chính vì vậy mà dân gian đã có câu: “Bánh chưng luộc giếng nước thần/ Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”.

Vệ sinh an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu

Bánh Chưng bờ đậu thơm ngon nức tiếng, chính vì vậy để xây dựng thương hiệu Bánh Chưng Bờ Đậu ngày càng phát triển, người dân Bờ Đậu đã cùng nhau thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những chiếc bánh Chưng xanh vuông vắn

Bà Nguyễn Bích Liên cho biết: “Chúng tôi đặc biệt đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức lớp tập huấn về an toàn thực phẩm và mời cán bộ của Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên lên trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó, chính quyền xã Cổ Lũng cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho người dân với nhiều hình thức như họp xóm, họp xã, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh công cộng…”

Bà Nguyễn Thị Oanh – một người gắn bó hơn 30 năm với làng nghề làm bánh Chưng, cho biết: “Những cơ sở được cấp chứng chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm như gia đình chúng tôi luôn chấp hành và thực hiện đúng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Khu chế biến, sơ chế phải luôn sạch sẽ, được lát bằng gạch men”.

Đặc biệt, trước kia bánh Chưng Bờ Đậu được gói bằng dây nhựa, nhưng vài năm trở lại đây người dân đã dần chuyển đổi sử dụng lạt giang để gói bánh vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giữ được hương vị bánh Chưng truyền thống.

Bánh Chưng được xếp cẩn thận vào nồi để luộc

Rộn ràng đón Tết

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về (từ ngày Rằm đến 30 tháng Chạp), người dân làng nghề bánh Chưng Bờ Đậu lại bắt đầu mùa vụ làm bánh chưng mới. Khác với những ngày thường không khí làm rất tấp nập. Địa điểm đông nhất là ngã ba Bờ Đậu, nơi đây là điểm trung chuyển , giao thương của các tỉnh miền Bắc. Vào thời điểm cận Tết, người dân nơi đây làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không kịp đưa bánh Chưng Bờ Đậu ra thị trường.

Từ ngày 20 tháng Chạp, làng nghề Bánh Chưng Bờ Đậu trở lên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhà nhà tập nập chuẩn bị những mẻ bánh chưng Bờ Đậu để phục vụ bánh cúng ông Công, ông Táo rồi bánh chưng phục vụ Tết Nguyên Đán.

Những nguyên liệu chuẩn bị để làm bánh Chưng Bờ Đậu như gạo nếp, đỗ xanh, lá dong thậm chí cả lạt giang cũng được chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo.

Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/1 chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ có giá 20.000 đồng/1 chiếc. Đối với bánh vuông to, chủ yếu bán trong ngày Tết có giá 50.000 đồng/1 chiếc.

Đặc biệt, trong dịp Tết để phục vụ nhu cầu của khách hàng, những người dân làng nghề bánh Chưng Bờ Đầu còn sản xuất những loại bánh đặc biệt: như bánh chưng chay, bánh chưng lá cẩm, bánh chưng lá riềng… Ngoài bánh Chưng vuông truyền thống, tại Bờ Đậu người dân còn sản xuất những chiếc bánh tròn như bánh Tét của người miền Nam. Rất đa dạng kiểu dáng để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Tiếng thơm của bánh Chưng Bờ Đậu đã lan tỏa trên khắp mọi miền Đất nước. Bánh Chưng Bờ Đậu đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, có những kiều bào người nước ngoài như Mỹ, Đức, Hà Lan đã thường xuyên đặt mua bánh để làm quà giới thiệu tới bạn bè quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán của dân tộc ta.

Thùy Dương