Núi Thành (Quảng Nam) xuất hiện bệnh lở mồm long móng
Kinh tế - Ngày đăng : 10:01, 09/03/2018
(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin trên báo Quảng Nam, sáng 9/3, ông Trần Văn A – cán bộ Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, sau Tết Nguyên đán, địa bàn huyện xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc.
Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán – ảnh minh họa
Cụ thể, tại xã Tam Nghĩa, cán bộ thú y đã phát hiện 2 con trâu và 4 con bò ở các thôn Đồng Yên, Hòa Mỹ mắc bệnh lở mồm long móng. Hiện tại, bệnh có nhiều khả năng gây hại gia súc trên diện rộng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và cách phòng trị bệnh lở mồm long móng ở đàn gia súc. Đồng thời tiến hành tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, nhất là ở vùng khống chế, vùng đệm, vùng có dịch xảy ra trong những năm gần đây.
Dưới đây là triệu chứng và cách phòng bệnh lở mồm long móng bạn cần biết để phòng tránh cho đàn gia súc:
Triệu chứng
Thời gian nung bệnh từ 2-12 ngày. Con vật sốt, bỏ ăn, tổn thương ở miệng và chân. Heo có thể ít hoặc không chảy nước dãi, chân đau đi đứng khó khăn. Nếu bệnh nặng, heo thường ở tư thế ngồi quỳ hai đầu gối chân trước, heo nái có thể bị sẩy thai.
Đặc trưng của bệnh là các mụn nước nằm ở mõm, xoang miệng, lưỡi, nướu, mũi, phần da tiếp giáp với móng, đầu vú. Mổ khảo sát có thể thấy heo bị viêm cơ tim cấp (tim mềm nhạt, dễ vỡ, có những đốm xám đỏ); bại huyết (cương mạch, lách sưng đậm,…); viêm màng phổi, phổi; viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính. Tỉ lệ chết cao đối với heo con (80-100%) và giảm dần ở heo trưởng thành (5-10%).
Điều trị
Bệnh không có thuốc trị đặc hiệu. Có thể giảm thiểu thiệt hại trên đàn bằng cách chăm sóc tốt, vệ sinh tiêu độc kỹ, cho heo nghỉ ngơi ở nơi khô thoáng, ăn thức ăn dễ tiêu, uống thêm chất điện giải và glucose.
Rửa kỹ các vết lở loét, mụn nước bằng thuốc chống nhiễm khuẩn cục bộ, nước muối ấm (nồng độ muối 10-20%) hoặc các chất có tính acid (chanh, khế) kết hợp với việc điều trị bằng kháng sinh để tránh phụ nhiễm và điều trị bằng kháng huyết thanh nếu phát hiện bệnh sớm. Nên sử dụng các loại kháng sinh có hiệu lực kéo dài và liệu trình điều trị từ 7-10 ngày.
Có thể chích penicilline và streptomycine trong 3 ngày rồi ngừng chích 2 ngày, sau đó lặp lại thêm 2 lần nữa. Nên kết hợp điều trị kháng sinh với thuốc kháng viêm không thuộc nhóm corticoide (ví dụ: Betamethasone, Dexamethasone có thể gây ức chế quá trình tạo miễn dịch) và thuốc hạ sốt.
Ngọc Ngọc (T/h)