Quảng Nam, Đà Nẵng: Ruộng khô, đô thị “khát”
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 02:30, 27/08/2019
Mùa khô năm 2019 diễn ra khắc nghiệt khi thời tiết khu vực miền Trung nắng nóng kéo dài.
Tại Quảng Nam, hạn hán kéo dài khiến huyện Nông Sơn bị thiệt hại hàng trăm ha cây trồng. Bà Nguyễn Thị Hồng (43 tuổi, trú xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) cho biết, gia đình có 2 sào ruộng, mọi năm bà thu được 160 tạ lúa. Tuy nhiên, năm nay, tình hình khô hạn diễn biến nặng, chân ruộng bà ở nơi cao nên nước không lên được. Nhiều người phải dùng máy nước hoặc có trạm bơm của huyện dẫn nước lên. “Nhưng ruộng người ta có nước để bơm chứ ruộng tôi khô khốc nên đành bỏ luôn mùa vụ này” – bà Hồng nói.
Không riêng hộ bà Hồng mà trên toàn huyện Nông Sơn có 260,8ha thiếu nước. Chính quyền địa phương đã “cứu” được 158,2ha, còn 102,6ha ruộng xa nguồn nước nên đành chịu. Bên cạnh đó, đến đầu tháng 7, nhiều hồ chứa nước trong khu vực không còn khả năng tưới tự chảy, mực nước sông xuống thấp, lưu lượng dòng chảy giảm mạnh, các đập dâng hầu như không còn nguồn nước tưới cũng khiến hàng ngàn ha bị cạn ở giữa và cuối mùa.
Tương tự như địa bàn Nông Sơn, nhiều huyện như Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc… cũng bị hạn hán. Ông Trương Xuân Tý – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam – cho hay: “Thời tiết khô hạn kéo dài khiến nguồn nước cạn kiệt, không đủ tưới tiêu. Toàn tỉnh còn 400ha bị hư hại, Chúng tôi đang tạm thời khuyến cáo bà con trên các huyện miền núi như Nông Sơn, Tiên Phước… trồng các loại cây ít cần nước vì nước không dẫn đến được để tránh bị thiệt hại”.
Tại Đà Nẵng, mặc dù vùng canh tác hoa màu và lúa không nhiều như Quảng Nam, tuy nhiên việc nước bị nhiễm mặn cũng khiến nhiều diện tích rau tại Hợp tác xã rau La Hường (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) phải bỏ hoang. Hợp tác xã rau La Hường có diện tích 9ha với khoảng 50 hộ nông dân tham gia sản xuất. Đây được xem là vựa rau sạch lớn nhất Đà Nẵng cung cấp các loại rau ăn lá. Thế nhưng, mấy tháng nay, nhiều hộ buộc phải bỏ đất hoang vì cây mầm vừa mọc đã bị chết khô.
Theo ông Trần Văn Hoàng – Giám đốc Hợp tác xã rau La Hường, tình trạng này diễn ra hơn 1 tháng nay gây thiệt hại 7ha không thể canh tác được do mạch nước ngầm bị nhiễm mặn. Hiện chỉ có 2ha rau muống là canh tác được, cho thu hoạch. “Người dân chỉ biết chờ mưa chứ chẳng có cách nào khác cả”, ông Hoàng cho hay.
Hàng trăm ha ruộng lúa tại Quảng Nam bị bỏ hoang cho bò ăn vì thiếu nước canh tác. Ảnh: TC
Người dân nơm nớp lo khát nước
Từ ngày 19 đến 23.8 vừa qua, người dân Đà Nẵng lại được một phen “khiếp vía” khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt tái diễn. Lần này, không chỉ có những quận ven biển như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà mà người dân nội đô cũng lao đao khi chực chờ từng xô nước.
“Các hàng quán phải mua nước đóng bình để sử dụng. Một số toà nhà cao tầng phải thông báo đóng cửa nhà vệ sinh vì không có nước dùng. Trường học cũng phải đóng cửa, bệnh viện thì phải nhờ đến lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp nước,… Chưa bao giờ việc thiếu nước sạch khiến cuộc sống chúng tôi đảo lộn như vậy. Lần này việc thiếu nước diễn ra 5 ngày. Nếu cứ lặp lại và kéo dài hơn, không biết cả thành phố sẽ ra sao” – anh Trần Văn Hạnh, người dân quận Hải Châu, chia sẻ.
UBND Đà Nẵng đã có 2 cuộc họp khẩn để bàn phương án giải quyết, trong đó, việc “nhờ” các hồ thuỷ điện xả nước đẩy mặn được ưu tiên. Thế nhưng thực tế, chỉ có một trong bốn hồ là A Vương còn đủ nước nhưng dù có xả nhiều bao nhiêu mà vẫn không mưa đầu nguồn thì phương án này cũng bị phá sản.
Vậy nên, Đà Nẵng cần có giải pháp lâu dài đối với việc cấp nước sạch cho người dân. UBND thành phố cũng vừa chỉ đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cùng với các đơn vị tiếp đục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đúng tiến độ dự án Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngđ, dự kiến khởi công vào cuối tháng 9.2019 và hoàn thành trong năm 2020; Triển khai dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng.
Trong khi đó, các chuyên gia tư vấn Singapore đề xuất, Đà Nẵng cần có phương án xây dựng các hồ dự trữ nước ngay trong thành phố hoặc tại những khu vực sắp được quy hoạch để phục vụ cho người dân trong mùa khô. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ kiến trú sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Định hướng chủ động về nguồn nước như các chuyên gia tư vấn là rất tốt. Không gian trên núi như Sơn Trà cũng không sử dụng được cho đô thị thì nên quy hoạch những rừng cây và hồ chứa nước dự trữ. Tuy nhiên, cần phải quy hoạch cụ thể là sẽ làm thế nào, xử lý nước ra sao. Bên cạnh đó, với khí hậu nhiệt đới như Đà Nẵng, nếu có quá nhiều hồ nước tù sẽ dễ gây ra dịch bệnh. Nên nếu làm, các hồ phải có hệ thống kết nối với nhau”.
Huyền Trang (T/h)