Hạt vi nhựa trong nước không gây nguy hiểm tới sức khỏe

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:00, 22/08/2019

Moitruong.net.vn – Hạt vi nhựa trong đại dương, sông và băng thậm chí xuất hiện trong chai nước uống mỗi ngày. Nhưng ít bằng chứng cho thấy vi chất trong nước có nguy cơ gây hại đối với sức khỏe.

Các nhà khoa học đã phân tích 259 mẫu nước đóng chai được bán ở một số quốc gia, và thấy rằng 93% trong số đó có chứa các hạt nhựa tổng hợp siêu nhỏ .

Nhiều trong số những hạt đó không quá nhỏ. Một số người chắc chắn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường mà không cần kính lúp hoặc kính hiển vi, Sherri Mason, tác giả của nghiên cứu đến từ Đại học Penn State Erie, Hoa Kỳ cho biết.

Tất cả 11 thương hiệu nước đóng chai được thử nghiệm trong nghiên cứu của Mason đều là những thương hiệu phổ biến nhất ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện nồng độ hạt vi nhựa khác nhau từ các mẫu nước đóng chai của các nhãn hiệu khác nhau. Nhưng trung bình, mỗi lít nước đó sẽ chứa 325 hạt vi nhựa.

Nestlé Pure Life là loại nước có nồng độ hạt nhựa trung bình lớn nhất trong số tất cả các nhãn hiệu được thử nghiệm; một mẫu nước từ thương hiệu này đã được tìm thấy với nồng độ 10.000 hạt vi nhựa mỗi lít.

Tuy nhiên, trong bài đánh giá đầu tiên về rủi ro sức khỏe của hạt nhựa trong nước máy và nước đóng chai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hạt vi nhựa “dường như không gây rủi ro cho sức khỏe ở mức hiện tại”, nhưng phát hiện mới nhất này đã là một cảnh báo lớn.

Bài đánh giá cho biết các thông tin hiện có vẫn còn hạn chế và cần nhiều nghiên cứu hơn về hạt vi nhựa và cách chúng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tiến sĩ Maria Neira, chuyên gia tại WHO cho biết: “Chúng ta cần biết thêm về tác động sức khỏe của hạt vi nhựa vì chúng có ở khắp mọi nơi – kể cả trong nước uống của chúng ta”.

WHO cho biết họ không khuyến nghị theo dõi thường xuyên hạt vi nhựa trong nước uống và nói rằng những lo ngại về các vi chất này không nên đánh lạc hướng các nhà cung cấp và cơ quan quản lý nước trong việc loại bỏ mầm bệnh vi khuẩn, chẳng hạn như gây ra bệnh tiêu chảy chết người.

Không phải mối nguy hiểm, nhưng cũng không vô hại

Trong phân tích của mình, WHO đã xem xét 3 mối nguy tiềm ẩn liên quan đến vi nhựa: các hạt vật lý, hóa chất và các vi sinh vật có thể tự gắn vào vi hạt.

Dựa trên các bằng chứng có sẵn, hóa chất và mầm bệnh vi khuẩn là mối quan tâm thấp đối với sức khỏe con người, báo cáo cho biết. Hạt vi nhựa lớn hơn 150 micromet không có khả năng được hấp thụ trong cơ thể con người và sự hấp thu của các hạt nhỏ hơn cũng rất hạn chế.

Tuy nhiên, sự hấp thụ của các hạt vi nhựa rất nhỏ, bao gồm phạm vi kích thước nano có thể cao hơn. Bản báo cáo cho biết thêm rằng không đủ thông tin để đưa ra kết luận về độc tính của hạt nano, nhưng không có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy nó gây ra quan ngại.

“Cho đến nay không có dữ liệu nào cho thấy rằng hạt vi nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, tuy nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng vô hại”, bà Alice Horton, một nhà khoa học về ô nhiễm nhân tạo tại Trung tâm Hải dương học Anh quốc, cho biết.

“Do đó, điều cần thiết là phải hiểu cách thức và nơi tiếp xúc với vi nhựa và để hiểu về bất kỳ rủi ro sức khỏe nào có thể xảy ra sau khi tiếp xúc”, bà Horton nói.

Tiến sĩ Andrew Mayes, giảng viên cao cấp về hóa học tại Đại học East Anglia ở Anh, cho biết báo cáo của WHO có thể sẽ là một cứu cánh cho những người lo ngại về mức độ hạt vi nhựa trong nguồn nước của chúng ta.

“Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, trong khi rủi ro đối với sức khỏe của vi nhựa có trong nước có thể thấp, vẫn cần tiếp tục giảm thiểu nhựa trong môi trường, để ngăn chặn vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

“Điều này có thể được thực hiện thông qua công tác quản lý chất thải tốt hơn và thực hiện các chương trình khuyến khích và chính phủ nên ưu tiên các hành động như vậy trong chiến lược toàn cầu để giảm thiểu lượng nhựa trong nước”, ông Mayes cho biết.

Những mối nguy khác trong nước

Báo cáo của WHO đã không nhắc tới các yếu tố khác khiến con người hấp thụ hạt vi nhựa, bao gồm cả thực phẩm và không khí.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chúng ta đang hấp thụ trung bình 5 gram nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng.

“Điều quan trọng là đặt mối quan tâm về việc tiếp xúc với hạt vi nhựa từ nước uống vào bối cảnh: Chúng ta tiếp xúc rộng rãi với vi chất này trong cuộc sống hàng ngày thông qua nhiều nguồn, trong đó nước uống chỉ là một phần”, ông Horton nói.

Các hạt nhựa nhỏ trong nước uống của chúng ta chủ yếu bắt nguồn từ nước mưa hoặc tuyết, nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Các chai và lon nhựa cũng có thể là nguồn vi chất trong nước uống, báo cáo cho biết thêm.

Các nhà khoa học WHO cho biết việc xử lý có thể loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa khỏi nước thải. điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề sức khỏe quan trọng khác, như xử lý và lọc nước chứa vi khuẩn.

Uớc tính có khoảng 2 tỷ người uống nước bị ô nhiễm trên toàn cầu. Trong năm 2016, 485.000 ca tử vong liên quan đến tiêu chảy được cho là do nước uống bị nhiễm vi khuẩn.

“Bằng cách giải quyết vấn đề lớn hơn về việc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, các cộng đồng có thể cùng giải quyết mối quan tâm nhỏ hơn liên quan đến hạt vi nhựa”, WHO nói.

Tú Anh (T/h)

Tú Anh (T/h)