“Biến” chất thải chăn nuôi thành tiền
Kinh tế - Ngày đăng : 13:30, 23/04/2018
(Moitruong.net.vn) – Một nông dân tại Hưng Yên đã “biến” chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, mỗi tháng thu thêm từ 6 – 7 triệu đồng.
Ông Tân vận hành máy tách, ép chất thải chăn nuôi lợn
Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Tân ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (Phù Cừ) thường xuyên duy trì 500 con lợn nái, lợn thịt, có lúc cao điểm hàng nghìn con. Trung bình một ngày, trang trại thải ra 1 tấn chất thải chăn nuôi cần xử lý.
Để xử lý lượng chất thải chăn nuôi “khổng lồ” này, ông Tân đã xây dựng 7 hầm biogas với công suất lớn nhưng vẫn không xử lý kịp chất thải ra. Khi Trung tâm khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai dự án “Xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại tỉnh Hưng Yên”, ông Tân đã đăng ký tham gia dự án này. Ông Tân đầu tư trên 80 triệu đồng, cùng với kinh phí hỗ trợ gần 40 triệu đồng để mua máy về sử dụng.
Tháng 11/2017, ông Tân đưa vào vận hành máy tách, ép chất thải chăn nuôi lợn. Theo đó, chất thải từ các chuồng nuôi lợn được dồn xuống bể. Khi máy vận hành sẽ hút chất thải, sau đó tách, ép thành nước và phân hữu cơ riêng biệt. Phân hữu cơ khô kiệt được đẩy trực tiếp ra ngoài, còn nước thải đổ xuống một bể khác để xử lý.
Sau khi thu được 2 sản phẩm phân hữu cơ khô và nước thải, ông Tân sử dụng men vi sinh để ủ phân và xử lý nước. Đối với phân khô, ông dùng men vi sinh trộn đều với tỷ lệ thích hợp, ủ trong 3 – 4 tuần để tạo ra sản phẩm phân hữu cơ và đóng thành bao. Mỗi bao phân hữu cơ ông Tân bán với giá 20.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, ông Tân thu được 6 – 7 triệu đồng từ tiền bán phân hữu cơ. Với nước thải, ông Tân sử dụng men vi sinh trong 1 tuần sẽ giúp xử lý nước thải không còn mùi có thể sử dụng tưới trực tiếp cho cây hoặc nuôi cá.
Nhờ đầu tư vận hành máy tách, ép phân mà trang trại đã giải quyết cơ bản vấn đề chất thải chăn nuôi. Ưu điểm của máy tách, ép phân là giúp chống quá tải bể biogas, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước xả, tận thu nguồn phân để làm phân bón hữu cơ hoặc phân vi sinh cho cây trồng và tạo khí gas sử dụng trong trang trại để đun nấu, thắp sáng.
Ông Tân cho biết: “Sau 6 tháng sử dụng máy tách, ép chất thải chăn nuôi đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, đàn chăn nuôi phát triển khỏe mạnh, môi trường chăn nuôi và môi trường sống được bảo đảm. Đây là giải pháp bảo vệ môi trường mang hiệu quả khả quan”.
Linh Lan (T/h theo Báo Hưng Yên)