Đồng bằng sông Cửu Long: Niềm vui khi mùa lũ về muộn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 04:00, 18/09/2019
Lũ về làm dồi dào lượng cá heo nước ngọt
Là loài thuỷ sản đặc trưng của mùa nước nổi, cá heo nước ngọt hiện nay có giá trị kinh tế rất cao. Mức giá thông thường từ 200 đến 250 ngàn đồng/kg, được thương lái mua ngay tại các cánh đồng mùa nước nổi. Đặc biệt, nếu như cá linh non chỉ xuất hiện ở khoảng thời gian từ tháng 7, tháng 8, cá heo lại xuất hiện suốt cả mùa nước nổi. Càng về cuối mùa, cá càng lớn nên giá trị kinh tế càng cao.
Anh Nguyễn Văn Nguyên, còn gọi là Sáu Nguyên, 37 tuổi ở xã Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, anh đã chuẩn bị lưới, dớn từ 2 tháng trước. “Mình sinh sống nhờ mùa nước nổi bao năm nên cứ tới tháng 5, tháng 6 là chuẩn bị ghe lưới đi đóng dớn. Khi có nước tràn đồng là đem xuống ruộng đóng dớn ngay. Mấy ngày đầu, ngày nào cũng kiếm không dưới 10kg cá các loại. Mà đợt này cá nhiều, ban đêm mình cũng tranh thủ đi đổ túi dớn luôn”, anh chia sẻ.
Nông dân gỡ lưới mùa nước nổi
Cũng theo anh Sáu Nguyên, anh có tới gần 10 giàn dớn, đóng ở nhiều cánh đồng từ Vĩnh Châu cho tới bên Thạnh Hưng hay Tân Công Sính. Các túi lưới này mỗi ngày dỡ 2 lần, nếu nhiều cá thì dỡ ba lần. “Cả năm chờ đợi mà mùa nước nổi chỉ kéo dài có chừng 2 tháng nên mình phải tranh thủ đánh bắt, dành dụm tiền đóng học cho các con” – anh Nguyên chia sẻ tiếp.
Trên chiếc ghe vỏ lãi dài chừng bảy mét, vợ anh Sáu Nguyên, chị Bé Hồng cười bảo, mấy ngày nay hai vợ chồng chị chạy ghe suốt đêm ngày. Có bữa hết mười bốn lít dầu. “Ảnh thì dỡ túi lưới còn mình thì phân loại cá. Đầu mùa nước, đổ dớn chủ yếu bắt được cá linh, cá heo, cá lăng và một số cá tạp khác. Trong đó, cá linh, cá heo và cá lăng được phân loại riêng, bán theo ký cho thương lái đem về thành phố” – chị Bé Hồng cho biết.
Cũng mưu sinh nhờ mùa nước nổi, anh Nguyễn Văn Bảo ở xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, những ngày này mỗi ngày anh cũng kiếm được từ 5 -6 kg cá các loại. Buổi tối, anh đi thả lưới dọc kênh 79, kênh Cả Nóc, kênh Mồi Gọ… rồi sớm hôm sau gỡ lưới, đem cá về cho vợ đi bán. Khác với nghề đáy, sản phẩm nghề lưới mành là những con cá lớn hơn, thậm chí ngay cả rắn, rùa cũng có thể dính lưới.
Lũ về mang lại nguồn tài nguyên phong phú
Những ngày qua, đi dọc tuyến Quốc lộ 62, tuyến đường Tỉnh lộ ĐT 829, Quốc lộ N2… san sát những cánh đồng nước nổi, với hàng ngàn cọc lưới dớn của người dân. Từ bao đời nay, khai thác những sản vật mùa nước nổi đã là sinh kế của nhiều người dân miền Tây, nhất là khu vực đầu nguồn biên giới. Ở đây, khi những dòng nước lũ đầu tiên từ thượng nguồn sông Mê Kông tràn về cũng là lúc vô vàn thuỷ sản về theo. Từ tôm cua cá, rắn chuột ốc cho tới những loài như sen, súng, điên điển… đồng loạt xuất hiện.
Lấy ngó sen trên đồng ở Long An
Hầu như những gì đánh bắt ở mùa nước nổi đều được coi là đặc sản và được thu mua với giá rất cao. Vì thế, hai bên đường tuyến tỉnh lộ ĐT 829 từ thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) đi thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng) của tỉnh Long An hàng trăm các sạp bán sản vật mùa nước nổi. Những chiếc chậu nhựa cỡ lớn có cá lóc, rắn mòng, cá trê hay lồng chuột, chim cùng các rổ hoa điên điển, ngó sen, bông súng luôn thu hút rất đông khách mua.
Ông Trần Văn Thanh, chủ một vựa thu mua thuỷ sản ở ngã ba thị trấn Tân Thạnh cho biết, mỗi ngày ông thu mua tới 2 trăm ký lô thuỷ sản các loại, sau đó đưa xe tải chở cho bạn hàng trên chợ Bình Điền (quận 8, TPHCM). “Không chỉ cá, cua, rắn, chuột mà hiện nay các loại bông, nhất là điên điển, sen, súng cũng được người thành phố rất ưa chuộng, mua với giá cao. Như bông súng, ngó đầu sen, vựa tôi thu mua bao nhiêu, bạn hàng trên thành phố lấy hết bấy nhiêu. Nếu cá, tôm, cua, ốc ở đâu cũng có, thậm chí nhiều nơi họ còn nuôi được thì những loại bông là đặc sản riêng biệt của vùng Đồng Tháp Mười này. Nông dân quanh vùng đi hái sen, súng bây giờ bán kiếm tiền nhiều hơn đánh bắt cá”, ông Thanh cười cho biết.
Đi qua nhiều tuyến đường ở vùng Đồng Tháp Mười những ngày này, dù mực nước lũ không cao quá so với năm ngoái nhưng khung cảnh đánh bắt, mua bán thuỷ sản rất nhộn nhịp. Nhiều người nông dân còn chạy xe máy vào sâu trong những đồng ruộng, những nơi mà xe ô-tô không thể tới để thu mua sản vật, sau đó đem về các chợ lớn, các vựa ở đường lộ, thị trấn bán lại kiếm lời.
Mưu sinh dựa vào mùa nước nổi là nhịp sống quen thuộc của người dân miền Tây, nhất là vùng đầu nguồn như ở Đồng Tháp Mười. Mặc dù mùa nước nổi chỉ kéo dài chừng 2 tháng nhưng nó mang đến nguồn thu rất lớn cho người dân.
Hà My (T/h)