Hà Nội: Mỗi nơi dùng nước chất lượng khác nhau
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:35, 08/09/2019
Vừa qua, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn Hà Nội.
ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) đặt câu hỏi đầu tiên về thực trạng TP hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước nhưng có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai. ĐB đề nghị GĐ Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và nêu ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Cùng hỏi về sự chậm chễ, đề cập đến dự án trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức), ĐB Trần Việt Anh (Ba Đình) nêu thực trạng gần 6 năm, dự án vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, một số hạng mục đã xuống cấp.
Toàn cảnh phiên giải trình về nước sạch. Ảnh: NH
Giả trình về các vấn đề trên, GĐ Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Qua đánh giá của Bộ Xây dựng, tính khả thi của các quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…
Còn về dự án trạm cấp nước ở thị trấn Đại Nghĩa đang gặp vướng mắc, ông Dục cho rằng là do khả năng, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đâu tư, còn công ty nước sạh Hà Đông có kinh nghiệm nhưng lại không có nguồn.
Tiếp tục phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy) nêu dự án cấp nước sạch ở 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận do Công ty cổ phần đầu tư đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư được phê duyệt từ 2013, dự kiến 2017 hoàn thành nhưng triển khai rất chậm.
“Đề nghị Chủ tịch UBND huyện cho biết nguyên nhân chậm trễ, giải pháp đẩy mạnh tiến độ dự án và có thể khẳng định thời gian hoàn thành?”, bà Thuỷ cũng đặt câu hỏi với GĐ công ty Xuân Mai về trách nhiệm triển khai dự án.
GĐ công ty Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, dự án chậm là do công tác giải phóng mặt bằn và quy doanh. Đồng thời kỳ vọng, quý 2/2020 sẽ hoàn thành dự án.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nhấn mạnh, chính quyền luôn tạo điều kiện để DN thực hiện dự án và người dân rất cần nước sạch.
“DN giữ dự án nhưng vốn thỏa thuận với ngân hàng chưa có. Làm sao có thể đạt được chỉ tiêu của HĐND TP khi DN không có đủ khả năng tài chính? Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai chưa triển khai dự án nên đề nghị TP kiểm tra, đánh giá năng lực DN”, ông Hùng đặt vấn đề.
Tiếp tục giải trình, ông Oanh cho biết, dự án chậm tiến độ 2 năm do chủ đầu tư “lúng túng” về nguồn vốn từ nhà nước sang xã hội hóa. Tuy nhiên, ông Oanh hỏi Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ từ năm 2013 đến tháng 6/2019 mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của nhà nước hay trách nhiệm của DN theo quyết định của pháp luật, điều này cần làm rõ.
“Chúng tôi cam kết với TP sẽ hoàn thành tiến độ dự án vào quý 2/2020”, ông Oanh nhấn mạnh.
Cách nhau “sợi chỉ” mà mỗi nơi dùng nước chất lượng khác nhau
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, TP đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân trong đó có chất lượng nước sạch.
“Cứ vào đến mùa khô, tình trạng thiếu nước triền miên ở một số khu chung cư, đô thị; chất lượng nước ở các vùng nông thôn không đảm bảo.
Quá trình đô thị hóa, không có lý do gì giáp ranh bên cạnh một phường, chỉ cách nhau một sợi chỉ mà người dân ở phường lại được áp dụng tiêu chuẩn nước đô thị mà người dân ở xã lại áp dụng nước hợp vệ sinh, đó là điều bất cập”, ông Chung nói.
Từ giữa 2016, TP đưa các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt công khai để kêu gọi đầu tư; yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có. Đáng chú ý, TP đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức.
“Công nghệ lọc nước này được áp dụng ở khu vực cạnh bãi rác Nam Sơn. Sau 6 tháng người dân đã được dùng nước sạch, nếu dùng phương án cũ việc kéo đường ống lên đến khu vực ít mất thời gian, tốn kém hơn rất nhiều”, Chủ tịch UBND TP phát biểu.
Chủ tịch Hà Nội cho biết TP sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm…
Đồng thời, xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các DN cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa…
Ngay sau hội nghị, TP sẽ rà soát các DN nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế. Chủ tịch UBND TP cũng kêu gọi người dân nhiệt tình ủng hộ dùng nước sạch.
“Dùng nước sạch chính vì sức khoẻ của chúng ta chứ không phải câu chuyện về giá, còn bệnh tật thì rất âm thầm. Tôi tin, dùng nước nhiễm mặn, dùng nước chưa sạch thì da cũng không thể đẹp, không thể sạch được”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Phương Nhi (T/h)