Hà Nội – Bài 1: Những “lá phổi xanh” đang dần biến mất

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 01:00, 04/10/2019

Moitruong.net.vn – Gần 20 năm qua, hàng chục ao, hồ của TP. Hà Nội bị biến mất đã làm tăng tình trạng ngập lụt và giảm khả năng điều tiết không khí. Nguyên nhân được cho là do quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều ao hồ bị lấp để triển khai dự án, làm khu dân cư.

Diện tích ao hồ bị xâm lấn

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) cho biết, từ 2010-2015 Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn (4 hồ thuộc quận Đống Đa, 3 hồ thuộc quận Hai Bà Trưng, 8 hồ thuộc quận Cầu Giấy và 2 hồ thuộc quận Tây Hồ), trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới.

Tổng diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi hơn 72.000 m2. Điều đáng lo ngại, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận lõi nội thành của Hà Nội. Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án.

So sánh bản đồ khu vực quận Đống Đa từ năm 1960 và ảnh chụp vệ tinh hiện nay

Các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự. Không những diện tích mặt hồ bị thu hẹp mà nhiều ao, hồ đã biến mất trên bản đồ. Có thể kể đến như ao Trại Cá, ao Yên Hòa, ao Ải Bái Ân, ao Khu Đồng Xa… Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Có thể kể đến quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ 2010-2015, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Riêng Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460ha.

So sánh bản đồ khu vực quận Hai Bà Trưng từ năm 1960 và ảnh chụp vệ tinh hiện nay

Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến năm 2016, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị san lấp để phục vụ xây dựng hoặc trở thành những bãi rác tự phát.

“Lá phổi xanh” kêu cứu

Một thực tế đáng buồn là những ao hồ không bị san lấp thì lại bị ô nhiễm. Mặc dù TP. Hà Nội đã đầu tư không nhỏ cho công tác cải tạo, xử lý kỹ thuật các ao, hồ trên địa bàn, tăng số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần và kè một phần… nỗ lực nạo vét, nâng cao chất lượng nước nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra.

Nguyên nhân trực tiếp là do tốc độ đô thị hóa, bùng nổ dân số kéo theo lượng lớn nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả ồ ạt không qua xử lý khiến nguồn nước ao hồ đổi màu, bốc mùi hôi thối dẫn đến hiện tượng cá chết như ở hồ Tây, hồ Hoàng Cầu, … Rác thải do một bộ phận người dân thiếu ý thức xả ra cũng gây tắc nghẽn dòng chảy khiến không ít ao hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành những ao, hồ “chết”.

Xả trực tiếp nước thải không qua xử lý là một phần nguyên nhân khiến ao, hồ bị ô nhiễm

Ao hồ không chỉ có vai trò điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị mà còn là điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính những cộng đồng dân cư sinh sống quanh các ao hồ. Họ cần phải thấy được rõ quyền lợi và cả lợi ích của mình từ việc bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Thế Đoàn

Thế Đoàn