Độc đáo phương thức canh tác trên đá của đồng bào dân tộc tại Cao nguyên đá Đồng Văn
Kinh tế - Ngày đăng : 02:30, 05/07/2018
(Moitruong.net.vn) – Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang nằm ở độ cao từ 1.100 – 1.600m so với mực nước biển và nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích trên 2.356km2. Vào tháng 10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNECO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Đồng bào tận dụng từng hốc đá cho đất vào để trồng ngô
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Na Chí, Giấy, Pu Péo, Dao, Nùng, Hoa, Lô Lô…). Trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, đất chủ yếu là đá (trên 3/4 diện tích đất tự nhiên là đá), nguồn đất hiếm hoi để trồng các loại cây lương thực và thực phẩm được xen kẽ trong các hốc đá, trong từng khe đá có đất, trên các vỉa đá hoặc các triền đá… Cũng do nguồn đất canh tác khan hiếm, nên đồng bào các dân tộc nơi đây đã phải gùi đất cho vào các hốc đá để trồng ngô (một loại cây lương thực chủ yếu) và một số loại rau màu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, từ ngàn đời nay, đồng bào các dân tộc nơi đây đã hình thành nên một phương thức canh tác độc đáo – đó là phương thức canh tác trên các hốc đá hoặc canh tác trên nương đá.
Bên cạnh đó, để có nơi canh tác, đồng bào đã phải dùng đá để xếp thành các bờ và gùi đất đổ vào tạo thành các thửa ruộng nhỏ trồng các loại cây lương thực. Khi du khách lên du lịch trên vùng Cao nguyên đá sẽ được ngắm các thửa ruộng bậc thang được xếp bằng những bờ đá vững chắc nhằm tránh đất bị rửa trôi. Hoặc sau khi thu hoạch lúa và ngô, bà con nơi đây gieo trồng cây hoa tam giác mạch (từ tháng 8 – tháng 9 dương lịch) để làm cảnh quan du lịch và thu hoạch hạt làm lương thực. Khi những ruộng hoa tam giác mạch nở hoa xen kẽ trên những bờ đá sẽ tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ và huyền ảo trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang.
Bò kéo cày làm đất trên nương đá
Ngoài ra, để thích nghi với truyền thống canh tác trên nền đất xen lẫn những tảng đá, đồng bào nơi đây cũng đã chế tạo nên một loại cày độc đáo mà không nơi nào có được và dùng bò làm sức kéo khi bừa đất. Loại cày này, khi lưỡi gặp phải đá sẽ tự nảy lên, do đó không bị gãy cày. Bên cạnh đó, những con bò đã được thuần phục cũng quen với việc kéo cày trên nương đá, đó là biết lựa để tránh những tảng đá.
Truyền thống canh tác trên đá của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá của Hà Giang cũng thể hiện tính cần cù, chịu kham khổ qua nhiều thế kỷ trước những điều kiện bất lợi và khắc nghiệt của tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Canh tác trên đá của đồng bào 4 huyện Cao nguyên đá cũng thể hiện sức mạnh và ý chí của con người trước sự khắc nghiệt của tự nhiên, biết chế ngự thiên nhiên, buộc thiên nhiên phải khuất phục trước sức mạnh của con người.
Từ những phương thức canh tác độc đáo trên các hốc đá và triền đá của đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ủng hộ và công nhận “Tri thức Canh tác trên đá” của đồng bào vùng Cao nguyên đá Hà Giang là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (theo Quyết định số: 2684/QĐ – BVHTTDL ngày 25/8/2014).
Phạm Văn Phú