Kiên Giang: Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 04:17, 04/07/2018
(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Kiên Giang mới đây vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên toàn tỉnh để sơ kết 2,5 năm thực hiện “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
>>>Kiên Giang: Cơ cấu ngành nông nghiệp theo vùng để nâng cao chất lượng sản xuất
>>>Kiên Giang: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
hó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Từ thực tế cho thấy, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tại buổi hội nghị, Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã đi đúng hướng, chuyển dịch được cơ cấu sản xuất, từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp thấy rõ, các chỉ tiêu so với kế hoạch cơ bản là đạt. Từ những kết quả đó đã góp phần tăng thu nhập cho người dân và bộ mặt nông thôn phát triển rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì vẫn còn đó những hạn chế cần được khắc phục như: Sản xuất chưa gắn kết được với khâu chế biến và tiêu thụ; các hình thức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và chưa thật sự bền vững; nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; tình trạng lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên quá mức cho phép… đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
Người dân tỉnh Kiên Giang hăng hái sản xuất nông nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn đã phân tích những nguyên nhân hạn chế, yếu kém và chỉ đạo các ngành, các cấp lưu ý triển khai thực hiện 7 giải pháp đã đưa ra; đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; rà soát lại các quy hoạch, điều chỉnh phù hợp với tình hình sản xuất; phổ biến, áp dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chú trọng phát triển kinh tế hợp tác. “Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp cũng là góp phần xây dựng nông thôn mới và ngược lại – hai lĩnh vực có mối quan hệ tương tác với nhau”.
Cùng với đó, triển khai Đề án và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã xác định các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh; trong đó, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế như: lúa gạo, các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gia súc gia cầm gắn với lợi thế so sánh theo 4 tiểu vùng sinh thái của tỉnh. Xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; xây dựng vùng thâm canh, chuyên canh quy mô lớn của một số cây, con chủ lực; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Kiên Giang, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2017 bình quân đạt 2,73% (kế hoạch năm 2020 là 4,5%). Trong đó, năm 2015 tăng 4,17%; năm 2016 giảm 1,46% do hạn mặn và dịch bệnh; năm 2017 tăng 3,21% do ngành nông nghiệp đã phục hồi và phát triển trở lại. Đến nay, toàn tỉnh có 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, có 49 xã được công nhận xã nông thôn mới.
Quốc Tuấn