Nam Định: Nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa
Kinh tế - Ngày đăng : 12:50, 02/07/2018
(Moitruong.net.vn) – Thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi để rầy tăng nhanh mật độ. Cùng với đó, nguồn bệnh lùn sọc đen đang sẵn có trên đồng ruộng nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2018 là rất lớn.
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa trên địa bàn tỉnh Nam Định (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt – BVTV Nam Định, nguồn bệnh lùn sọc đen đầu vụ mùa 2018 rất lớn, tỷ lệ rầy mang virus gây bệnh chiếm tỷ lệ rất cao (có 6 mẫu dương tính/17 mẫu đã giám định, chiếm 35,3%).
Hiện nguồn rầy lưng trắng tồn tại trên ký chủ phụ (lúa chết, mạ đặc sản) là khá cao (mật độ trung bình 0,2 – 0,3 con/m2, cao 0,5 con/m2), cùng với thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi để rầy tăng nhanh mật độ. Đặc biệt nguồn bệnh lùn sọc đen đang sẵn có trên đồng ruộng nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2018 là rất lớn.
Trước tình hình trên, để đảm bảo tổ chức tốt sản xuất vụ mùa, đồng thời chủ động hạn chế thấp nhất nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ mùa 2018, Sở NN&PTNT Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường huy động mọi lực lượng, phương tiện lấy nước, làm đất. Chú ý cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn bệnh lùn sọc đen, thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật…
Cùng với đó, phun tiễn chân mạ trước khi nhổ mạ cấy từ 2 – 3 ngày bằng thuốc trừ rầy đặc hiệu để chống rầy xâm nhập, lây truyền bệnh lùn sọc đen cho cây mạ. Sử dụng thuốc: Actara 25WG, Amira 25WP, Midan 10WP, Sectox 100WP, Cytoc 250WP, Thanasat 10WP, Gold Tress 10WP…
Theo Nông nghiệp