Ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 02:40, 21/07/2018
Ảnh minh họa
Theo đó, trên lĩnh vực khai thác thủy sản, số lượng tàu cá của tỉnh tăng khá nhanh cả về số lượng và quy mô. Năm 2015 toàn tỉnh có 10.322 tàu, đến tháng 3/2018 tăng lên 10.763 tàu, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,33%/năm. Trong đó có 10.364 tàu khai thác và 376 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nghề khai thác thủy sản đa dạng, có gần 20 loại nghề, nhưng tập trung chủ yếu ở 04 họ nghề chính: lưới kéo, lưới rê, lưới vây và nghề câu. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm tăng, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2015 đạt 493.824 tấn; năm 2017 đạt 765.275 tấn và 6 tháng đầu năm 2018 là 370.450 tấn, trong đó ước tính sản lượng từ nghề lưới kéo chiếm trên 75% tổng sản lượng khai thác của tỉnh.
Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tăng liên tục. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2015 diện tích 202.372ha, năm 2017 là 240.630ha, 6 tháng đầu năm 2018 là 195.264ha; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2017 đạt 9,04%/năm; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 8,8%/năm, sản lượng nuôi trồng năm 2015 đạt 183.423 tấn, năm 2017 đạt 217.041 tấn, 6 tháng đầu năm 2018 là 84.342 tấn.
Với lợi thế tự nhiên của tỉnh, trong những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển mạnh. Tôm nước lợ tập trung tại vùng Tứ giác Long Xuyên (nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp) và vùng U Minh Thượng (nuôi tôm – lúa), chiếm khoảng 50% diện tích và 30% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Riêng lĩnh vực tôm, mô hình tôm- lúa chiếm tỷ trọng khoảng 78%; tôm nuôi quảng canh cải tiến 20%, tôm công nghiệp-bán công nghiệp 2%. Năng suất bình quân tôm nuôi khoảng 546 kg/ha.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh còn có mô hình nuôi cá chim, cá hồng mỹ tại Phú Quốc theo công nghệ Nauy, nuôi được xa bờ cho năng suất rất cao, khoảng 30 – 40 tấn/lồng. Cá nước ngọt chủ yếu nuôi ao, ruộng, mùng lưới … nhỏ lẻ tiêu thụ nội địa ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Hòn Đất và U Minh Thượng. Năng suất ước tính khoảng 1,0-1,7 tấn/ha.
Đến nay, toàn tỉnh có 03 cơ sở kiểm dịch giống và tư nhân, đầu tư 357 cơ sở sản xuất, ương vèo giống thủy sản, trong đó sản xuất giống tôm sú có 25 cơ sở với công suất 4,5 tỷ post/năm; 190 cơ sở ương, dưỡng giống tôm sú; 04 cơ sở ương, dưỡng giống tôm càng xanh; 136 cơ sở sản xuất giống cua biển tập trung chủ yếu ở huyện Kiên Lương, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Có 26 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, trong đó có 12 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá có công suất từ 400 mã lực trở lên; khả năng đóng mới hằng năm trên 300 chiếc và sửa chữa trên 600 chiếc đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu cá trong và ngoài tỉnh; có 05 cảng cá, trong đó Cảng cá Tắc Cậu có sản lượng hải sản lên bến lớn trong hệ thống cảng cả nước, tập trung hầu hết các tàu khai thác hải sản xa bờ.
Đồng thời các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách đầu tư và hỗ trợ phát triển thủy sản, như: chính sách về khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa; mua sắm các loại máy móc, thiết bị và sử dụng một số công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu cá; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản…
Trương Anh Sáng