Rác thải nhựa – Mối nguy hại với môi trường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 20/08/2018
–
Nguy hại với môi trường
Theo thống kê, mức tiêu thụ nhựa của người dân Việt Nam đã đạt 41 kg/người/năm. Dự tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ này sẽ tăng lên 45kg/người/năm. Tuy nhiên, khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Điều này cho thấy, lượng lớn chất thải nhựa đang bị thải bỏ vào môi trường và TPHCM đang gánh chịu nhiều hậu quả từ loại nhựa thải này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện lượng rác sinh hoạt phát sinh trên toàn địa bàn thành phố đã đạt mức trên 9.000 tấn/ngày. Trong đó, 6.000 tấn chuyển xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, 3.000 tấn còn lại chuyển đến xử lý tại 2 công ty tái chế rác thải là Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar.
Theo 2 công ty tái chế rác thải, số lượng nhựa thu gom lại từ rác thải sinh hoạt được khoảng 60 tấn nhưng chất lượng rất thấp vì lẫn nhiều tạp chất nên rất bẩn và chỉ có thể tái chế thành những loại nhựa tái sinh chất lượng thấp, giá trị không cao. Thậm chí, nhiều loại nhựa phế phẩm không thể tái chế được nên đành phải chuyển sang chôn lấp.
Lý giải vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân là do hiệu quả của hoạt động phân loại chất thải rắn tại thành phố chưa được người dân thực hiện tốt. Chất thải vẫn trộn lẫn với nhau khi chuyển giao và cả trong quá trình thu gom. Thực tế này không những làm cho khâu xử lý tái chế gặp nhiều khó khăn mà còn làm lãng phí nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường thứ phát do phải xử lý bằng chôn lấp.
Biện pháp xử lý với rác thải nhựa
Theo các chuyên gia môi trường, nhựa là loại chất thải không thể phân hủy nên xử lý bằng biện pháp chôn lấp có thể đến vài trăm năm sau, chất thải nhựa vẫn còn nguyên và hậu xử lý sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều.
Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp đưa ra là những quy định nhằm hạn chế sử dụng nhựa áp dụng chưa hiệu quả. Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định áp thuế môi trường đối với sử dụng nhựa không thân thiện môi trường.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, mức thuế áp dụng là 150% – 200%/kg nhựa, nhưng khâu thực thi còn rất kém. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất bao bì nhựa các loại không thân thiện môi trường nhưng vẫn không đóng thuế hoặc không nằm trong đối tượng chịu mức thuế này.
Để sản xuất ra 1kg sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí cao hơn 1/3, thậm chí đến 1/2 chi phí so với sản xuất sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường. Và nếu như các sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường không bị đánh thuế thì sản phẩm nhựa thân thiện môi trường không thể cạnh tranh được.
Trên thực tế, thị phần tiêu thụ của sản phẩm nhựa thân thiện môi trường chỉ tập trung phân khúc rất hẹp là các trung tâm thương mại, siêu thị và những doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững. Thị phần này chỉ chiếm khoảng 1% trong số thị phần tiêu thụ sản phẩm nhựa nói chung.
Việc hạn chế sử dụng nhựa là cần thiết, nhưng muốn làm được cần phải có biện pháp chế tài mạnh. Trước hết phải thực hiện thu đúng, thu đủ thuế môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất nhựa và sản phẩm nhập khẩu có sử dụng nhựa không thân thiện môi trường.
Song song với hoạt động hướng dẫn phân loại rác, thành phố phải áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành. Bên cạnh đó, thành phố cần chuẩn hóa lại hoạt động thu gom chất thải để đáp ứng với yêu cầu mới.
Đồng bộ được các giải pháp trên và kết hợp minh bạch lộ trình triển khai nhất định sẽ tạo được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng dân cư trong việc cải thiện chất lượng môi trường sống.
An Nhiên (T/h)